‘Cơm ăn liền’ của sinh viên chiến thắng giải thưởng về khoa học công nghệ

(PLO)- 12 đề tài nghiên cứu của sinh viên đã xuất sắc giành giải nhất của Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên năm 2022.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam

Ngày 9-12, lễ tổng kết và trao giải Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) năm 2022 đã diễn ra. Chương trình do Bộ GD&ĐT phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) triển khai thực hiện.

Phát biểu tại buổi lễ, chúc mừng các đề tài đạt giải, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đề nghị các cơ sở giáo dục tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Cùng với đó là tổ chức truyền thông giới thiệu các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên với các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Cuộc thi đã thu hút 416 đề tài từ 94 trường đại học trên toàn quốc tham gia. Trong đó, có 336 đề tài hợp lệ ở 6 lĩnh vực.

Ban Tổ chức đã lựa chọn được 250 đề tài để vinh danh trong lễ tổng kết và trao giải, trong đó có 12 giải Nhất, 44 giải Nhì, 78 giải Ba và 116 giải Khuyến khích.

Đáng chú ý, giải Nhất ở lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ được trao cho đề tài “nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền”.

Đề tài này do nhóm sinh viên của Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM thực hiện và Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Anh hướng dẫn.

Nhóm sinh viên nghiên cứu về cơm ăn liền được trao giải nhất tại cuộc thi Giải thưởng Khoa học và Công nghệ.

Nhóm sinh viên nghiên cứu về cơm ăn liền được trao giải nhất tại cuộc thi Giải thưởng Khoa học và Công nghệ.

Đại diện nhóm cho hay, đề tài xuất phát từ nhu cầu chuẩn bị các bữa cơm gia đình nhưng vẫn đầy đủ dưỡng chất và không mất nhiều thời gian. Việc sử dụng cơm ăn liền sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian nấu, giúp cho người sử dụng, đặc biệt là phụ nữ hiện đại có thêm thời gian cống hiến cho xã hội, tăng thu nhập cho bản thân và gia đình.

Bên cạnh đó, cơm ăn liền còn góp phần đa dạng hóa các sản phẩm từ ngành hàng lúa gạo chủ lực của Việt Nam.

Các sản phẩm về cơm ăn liền được sinh viên nghiên cứu tạo nên. Ảnh: NTCC

Các sản phẩm về cơm ăn liền được sinh viên nghiên cứu tạo nên. Ảnh: NTCC

Ban tổ chức giải thưởng năm nay đã trao giải nhất cho 12 đề tài, gồm:

1. Tổng hợp, cấu trúc một số dẫn xuất polythiophene mới và ứng dụng trong siêu tụ điện (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội).

2. Nghiên cứu ứng xử động lực học của vi giọt trong thiết bị vi lưu flow-focusing dưới ảnh hưởng của chất hoạt động bề mặt (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội).

3. Nghiên cứu quy trình sản xuất cơm ăn liền (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM).

4. Tổng hợp vật liệu NiCoFe-LDO, ứng dụng làm xúc tác trong xử lý môi trường (Học viện Kỹ thuật Quân sự).

5. Ứng dụng mô hình học máy xác định các tổ hợp gen liên quan huyết khối có giá trị chẩn đoán sớm nguyên nhân sảy thai liên tiếp ở phụ nữ Việt Nam (Trường Đại học Y Hà Nội).

6. Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học sinh sản của cá chốt sọc Mystus mysticetus Roberts, 1992 phân bố trên tuyến sông Hậu từ Cần Thơ đến Sóc Trăng (Đại học Cần Thơ).

7. Emotions and viral video sharing behavior on Facebook of young generation “Cảm xúc và hành vi chia sẻ viral video trên facebook của thế hệ trẻ" (Trường ĐH Kinh Tế TP.HCM).

8. Ảnh hưởng của Sensory Marketing đến chất lượng cảm nhận và sự hài lòng về dịch vụ y tế tại các bệnh viện công lập Việt Nam (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân).

9. Đa dạng hóa xuất khẩu trước cú sốc kinh tế: Bằng chứng thực nghiệm từ các nước đang phát triển (Học viện Ngân hàng).

10. Xây dựng công cụ đánh giá năng lực STEM của học sinh THPT đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại TP.HCM (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM).

11. Các biện pháp cưỡng chế hành chính trong quản lý xã hội khi có dịch bệnh từ thực tiễn dịch COVID-19 ở Việt Nam (Học viện An ninh nhân dân).

12. Dự định nghề nghiệp của sinh viên năm cuối tại các trường ĐH ở Việt Nam trong bối cảnh COVID-19 (Trường ĐH Hà Nội).

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm