Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), thời gian gần đây, nhiều tờ báo mạng tại Rumani như realitate.net, ziuanews.ro, bzi.ro, adevarul.ro, puppe.ro, secretulsanatatii.net... đã đăng tải nhiều thông tin không chính xác về sản phẩm cá tra Việt Nam gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) cá tra Việt Nam sang thị trường này.
Đáng lo ngại, một tờ báo còn khuyến nghị người dân không ăn, không gọi các món có liên quan đến cá tra Việt Nam tại các nhà hàng, thậm chí còn cáo buộc cá tra được sử dụng dưới nhiều tên gọi khác nhau để tránh người tiêu dùng Rumani phát hiện. Một số trang mạng khác khuyến nghị người dân nước này tẩy chay cá tra và các nhà hàng có thực đơn món cá này.
Mặc dù Rumani chỉ là một thị trường xuất khẩu cá tra nhỏ của DN Việt Nam tại phía Đông Nam châu Âu với giá trị xuất khẩu trong ba năm trở lại đây dưới 5 triệu USD/năm. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu cá tra lo ngại những thông tin sai lệch này có thể bị phát tán và lan truyền không kiểm soát thông qua mạng Internet, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mặt hàng cá tra xuất khẩu của Việt Nam.
Hiện VASEP tiếp tục theo dõi và tìm hiểu thông tin về sự việc thông qua Tham tán thương mại Việt Nam tại Rumani để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng thiệt hại tới hoạt động xuất khẩu và hình ảnh sản phẩm chiến lược của quốc gia.
Cá tra Việt Nam xuất khẩu đạt các chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng lẫn môi trường của các tổ chức quốc tế.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết đây không phải là lần đầu tiên cá tra bị truyền thông nước ngoài nói xấu bằng những thông tin không chính xác. Trong hơn 10 năm qua, cá tra Việt Nam luôn phải chiến đấu với những chiêu thức bôi nhọ, cạnh tranh không lành mạnh.
Ông Hòe dẫn chứng vào đầu tháng 1-2017, một chương trình của đài truyền hình Cuatro TV tại TP Madrid, Tây Ban Nha phát sóng thông tin không chính xác về cá tra Việt Nam được nuôi trên sông Mekong. Theo đoạn phim này, cá tra được nuôi trong những lồng bè không sạch, thức ăn không được chế biến theo quy chuẩn công nghiệp mà từ cá chết và các loại phế phẩm khác… và quy kết rằng đó là lý do giá cá tra thấp như hiện nay.
Sau đó, VASEP đã có công văn chính thức gửi đến đài truyền hình này để khẳng định những hình ảnh và thông tin trên phim là hoàn toàn sai lệch. Đồng thời chứng minh sự tiến bộ và tính an toàn trong mọi hoạt động nuôi và chế biến cá tra tại Việt Nam.
Trước đó, Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản quốc tế (ASC) cũng đã có thông cáo báo chí cho biết nuôi cá tra tại Việt Nam theo tiêu chuẩn ASC, người mua và người tiêu dùng có thể tin tưởng khi ăn loại cá này. Tất cả chứng nhận thủy sản ASC tuân thủ hướng dẫn nghiêm ngặt để đảm bảo giảm thiểu tác động môi trường tiêu cực của nuôi trồng thủy sản.
Trang trại cá tra được chứng nhận tiêu chuẩn ASC chỉ có thể được đặt tại các khu vực đã được phê duyệt cho nuôi trồng thủy sản, các trình tự nghiêm ngặt cũng phải được thực hiện kèm theo đó để đảm bảo rằng nước thải không gây ô nhiễm hệ sinh thái. Các trang trại cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu để giảm thiểu dịch bệnh, không sử dụng thuốc kháng sinh, trừ khi thật sự cần thiết và chỉ có thể sử dụng thuốc kháng sinh dưới sự giám sát của bác sĩ thú y.
Với tất cả tiêu chuẩn của ASC, không có loại kháng sinh nào trong danh sách của Tổ chức Y tế Thế giới về kháng sinh gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe con người được sử dụng tại một trang trại.
“Do cá tra có thể được nuôi một cách hiệu quả, với việc sử dụng đất không nhiều và hạn chế sử dụng thức ăn, có thể được sản xuất theo cách thân thiện môi trường và cộng đồng, chúng tôi cảm thấy sản phẩm này có thể cạnh tranh trên thị trường cá thịt trắng” - ASC nhận định.