“Còn làm ngành y thì còn sai sót”
Chất vấn về vấn đề y đức, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng nhìn về lịch sử ngành y, chưa có bao giờ lại xảy ra những vụ việc bức xúc như hiện nay. “Tôi chắc rằng những người làm việc trong ngành y khi nhắc lại vụ “nhân bản” ở BV Hoài Đức hay vụ thẩm mỹ Cát Tường làm chết người rồi ném xác phi tang đều phải xấu hổ. Vậy tới đây Bộ có giải pháp gì đột phá để nâng cao ý đức không?” - ông Hoàng hỏi.
Đáp lại, bà Tiến không đi vào giải pháp đột phá cụ thể mà cho hay đã đưa ra hàng loạt biện pháp để chấn chỉnh và nâng cao y đức. Chẳng hạn như đã ban hành nhiều văn bản các quy định về y đức. “Từ 2001 đã ban hành 12 quy định về y đức. Thời gian qua cũng đã ban hành nhiều văn bản khác quy định về y đức” - bà Tiến thông tin và cho biết đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho đội ngũ bác sĩ, tổ chức học tập pháp luật, thành lập đường dây nóng... “Tất cả giải pháp đó đã góp phần chấn chỉnh và nâng cao y đức của đội ngũ y tế” - bà Tiến chỉ cho biết như thế.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN
Trước những cái chết gây bức xúc trong dư luận có liên quan đến ngành y, lý giải về tình trạng này, Bộ trưởng Tiến cho rằng đó là tai biến y khoa. “Tai biến y khoa là một thực tế không thể tránh khỏi. Ngay cả như Mỹ cũng xảy ra rất nhiều. Do đó bệnh nhân khi đi khám, chữa bệnh có thể khỏi bệnh, có thể có biến chứng, có thể có y chứng và cũng có thể bị tử vong. Còn chữa bệnh là còn tai biến y khoa” - bà Tiến nói và dẫn chứng vụ việc BV Cần Thơ cắt nhầm thận của bệnh nhân là trường hợp đặc biệt, khi đó là thận móng ngựa, hai quả nhập vào làm một. Nên những sai sót đó thầy thuốc rất khó tránh và đến nay nền y học vẫn chưa thể khắc phục được.
Bà Tiến cũng bộc bạch rằng còn làm ngành y thì còn sai sót. “Nói thật đại biểu hỏi khi nào chấm dứt, chúng tôi không thể trả lời được, không dám trả lời” - bà Tiến trần tình và nói: “Điều chúng tôi đang làm là tích cực xây dựng các quy phạm pháp luật một cách đầy đủ, xử lý nghiêm các sai sót về nghiệp vụ. Ví dụ như ở Quảng Trị (tiêm vaccine viêm gan B gây tử vong - PV), Công an tỉnh Quảng trị đã kết luận là tiêm nhầm thuốc. Người y tá đã nhầm thuốc, làm không hết trách nhiệm, không hết tình thương để sự cố xảy ra”.
Ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam còn thấp lắm?
Đề cập về tình trạng mất an toàn thực phẩm, xảy ra nhiều vụ ngộ độc thực phẩm, dẫn đến tỉ lệ người dân bị ung thư cũng ngày càng gia tăng, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp cho biết rõ về thực trạng cũng như giải pháp về vấn đề trên. Tuy nhiên, bà Tiến cho rằng ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trên thế giới (!?). “Chúng ta không nên lo lắng nhiều là thực phẩm dẫn đến ung thư. Bởi nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ung thư phần nhiều do virus, nhiễm khuẩn, môi trường, di truyền, còn thực phẩm cũng có yếu tố nhưng rất ít và chủ yếu do ăn thực phẩm nhiễm mốc mà ra” - bà Tiến nói.
Còn Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thay vì chỉ rõ thực trạng và đề ra giải pháp, cũng chỉ nói một cách chung chung là đã tích cực tuyên truyền, toàn ngành nông nghiệp xác định nhiệm vụ an toàn thực phẩm là nhiệm vụ số một và cho hay “Bộ cũng đã quyết định dừng cấp phép và lưu hành vật tư thuốc trừ sâu, thuốc thú y để làm lại quy trình cho an toàn hơn, nhất là đối với rau”.
Không hài lòng với trả lời trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đề nghị ba bộ trưởng liên quan trả lời cho rõ là mất an toàn thực phẩm có giảm hay không. “Tôi nói thật là tôi thấy không hề có chuyển biến, không hề giảm mà mất an toàn thực phẩm chỉ có tăng” - ông Phúc nói. Tuy nhiên, câu hỏi của ông Phúc chưa được trả lời.
THÀNH VĂN