Nhớ trong cuộc tọa đàm về tai biến y khoa hồi cuối năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Ở Việt Nam chưa có nghiên cứu nào thống kê cụ thể, tuy nhiên tỉ lệ tai nạn nghề nghiệp là 7%. Ước tính có khoảng 67.000 bệnh nhân bị tai biến y khoa, 15.300 bệnh nhân bị thương tật vĩnh viễn hằng năm, con số tử vong do tai biến y khoa chiếm 5% con số tử vong của cả nước.
Còn mới nhất, là câu chuyện đau lòng về “đôi tay vàng” của Bệnh viện Việt - Đức một thời. 20 năm là một bác sĩ giỏi, nhưng trong một lần, chỉ vì tâm lý căng thẳng, nhân viên trong kíp phẫu thuật của anh đã “để quên” một miếng gạc trong bụng bệnh nhân. Người bệnh sau đó được mổ để lấy miếng gạc ra, còn vị bác sĩ-phẫu thuật chính đã đứng ra nhận trách nhiệm về mình. Ông xin ứng trước tiền lương, rút tiền tiết kiệm, bán chiếc xe máy, để phụ tiền điều trị cho người bệnh. Ông túc trực bên giường bệnh, để rồi người nhà bệnh nhân đã nhận ông là người thân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Bộ trưởng Tiến, cũng là một người thầy thuốc, đã đúng. Còn con người có nghĩa là sẽ còn bệnh nhân. Còn bệnh nhân là còn phải khám chữa bệnh. Còn khám chữa bệnh là còn có thể song hành 2 trạng thái hoặc có thể khỏi bệnh, hoặc có thể biến chứng.
Huống chi tai biến là lỗi của y khoa mà y học đành bất lực chừng nào vẫn còn người bệnh và các thầy thuốc còn phải chữa trong một sứ mạng thiêng liêng là cứu người.
Nhưng không phải mọi ca tai biến đều chỉ là lỗi của y khoa, đều chỉ là sự bó tay của y học.
Ngay trong ngày Bộ trưởng đăng đàn nói tới tai biến y khoa, người nữ y tá trong “sự biến Hướng Hóa” đã chỉ ra nơi giấu 3 lọ thuốc đã khiến 3 đứa trẻ sơ sinh tử vong.
Theo Lao Động, đó không phải là những lọ vaccine phòng bệnh mà là loại thuốc dán cảnh báo “thuốc độc”. 3 đứa trẻ đã tử vong sau khi bị tiêm thuốc độc. Và rất rõ ràng, thứ tai biến do chính các vị từ mẫu gây ra trong “sự biến Hướng Hóa” chẳng hạn, chỉ là một trong vô số những ví dụ về sự tắc trách, ngẫm ra cũng là một thứ “tai biến” không ít phổ biến trong ngành y tế.
Tai biến y khoa như một thực tế mặt trái của việc khám chữa bệnh, có thể những tai biến khiến “y học bó tay” chưa chấm dứt ngay được, nhưng để có được sự thông cảm từ bệnh nhân, từ dư luận thì ít nhất những tai biến do…các từ mẫu gây ra phải được chấm dứt ngay từ hôm nay. Ngay từ cái cách stop điệp khúc mà dư luận đã nghe đến phát mệt “sốc phản vệ chưa rõ nguyên nhân” giống y như là đổ hết trách nhiệm cho “y học bó tay”.