Theo một số người trong ngành xuất bản thì số đơn vị làm sách nhảm hiện nay chỉ chiếm chưa đến 20%. Người làm sách nhảm thời kỳ nào cũng có và rất khó để loại bỏ những thành phần này. Cũng có những đối tác liên kết xuất bản làm ăn tử tế, có tâm với nghề và cho ra những cuốn sách có nội dung tốt, bán chạy nhưng cũng có đối tác lựa chọn hướng đi là làm sách nhảm vì dễ kiếm lời.
Chạy giấy phép xuất bản
Một đầu nậu tại Hà Nội chia sẻ có thể dễ dàng chạy giấy phép xuất bản cho bất kỳ một cuốn sách nào. Bởi mức tiền quản lý phí để có giấy phép xuất bản mỗi nơi khác nhau (tùy thuộc vào thương hiệu của NXB). Với mức giá dễ dãi như vậy nên đầu nậu liên kết với NXB này không được thì có thể sang NXB khác. Mặc khác, đầu nậu có thể “đi đêm” với lãnh đạo NXB bằng cách ăn chia. Ví dụ, tiền quản lý phí cho một cuốn sách là 10 triệu đồng thì chỉ đóng cho NXB 5 triệu đồng, lãnh đạo NXB 2 triệu đồng. Hoặc cũng có thể lại quả cho lãnh đạo bằng sách. Ví dụ, trên giấy phép quyết định in 3.000 cuốn khi sang nhà in in 4.000 cuốn và trích lại 1.000 cuốn để “lại quả”. “Bởi hiện nay rất nhiều đối tác liên kết có nhà in riêng. Việc quản lý in là theo địa giới hành chính. Giấy phép in được cấp ở Hà Nội nhưng họ đưa về công ty in ở Bắc Ninh thì ai quản lý được?” - đầu nậu sách tiết lộ.
Theo một BTV (đề nghị giấu tên) từng làm công việc biên soạn sách cho một đầu nậu thì công việc của họ không phải biên tập mà là biên soạn. Những cuốn sách dạng kinh nghiệm, kỹ năng thì họ chỉ cần xào nấu, tổng hợp từ nhiều nguồn sách hoặc tìm kiếm trên Google. Những cuốn sách dịch từ nước ngoài vì sợ bị kiện ăn cắp bản quyền nên họ không dịch nguyên cuốn mà tổng hợp từ những cuốn có nội dung tương đồng nhau. Sau đó dùng một tên giả để đứng tên người dịch. “Nhiều khi đầu nậu cần sách gấp thì chúng tôi phải chia bản thảo ra nhiều phần nhỏ rồi giao cho sinh viên, bạn bè dịch hộ. Cuối cùng chỉ cần gom bản thảo, kiểm tra sơ qua một lần. Đôi khi họ hối gấp quá cũng “nhắm mắt” giao bản thảo chứ chẳng kịp xem lại!” - BTV này kể.
Đối tác liên kết “nuôi” NXB
Giám đốc một NXB lớn tại TP.HCM cho rằng hiện nay, nếu không kể sách giáo khoa thì có đến hơn 70% sách đang lưu hành trên thị trường phục vụ độc giả là sách liên kết. Chính nhờ liên kết xuất bản mà diện mạo xuất bản phẩm mới phong phú, đa dạng và đầy tính cạnh tranh. “Minh chứng là ngày hội sách lớn nhất Việt Nam tại TP.HCM có đến vài trăm gian hàng trưng bày nhưng chỉ chưa đến 10 NXB tham gia. Nhưng cũng có một số NXB tham gia giới thiệu sách với số lượng hạn chế. Điều này phản ánh một thực tế đa phần sản phẩm sách hiện tại là do liên kết xuất bản” - ông giám đốc này dẫn chứng.
Về mặt hình thức quy trình xuất bản rất chặt chẽ nhưng tại sao những cuốn sách nhảm vẫn lọt qua quy trình một cách dễ dàng? Theo vị giám đốc NXB này lý giải thì lâu nay một số NXB sống nhờ tiền quản lý phí do đối tác liên kết mang đến. Các đơn vị này không đầu tư vào công việc tự làm sách (sách A) mà chỉ làm sách liên kết (sách B). Bởi tiền quản lý phí từ đơn vị liên kết là lãi ròng, còn làm sách A phải tốn chi phí đầu tư nhưng chưa biết sách in ra có bán được hay không. Càng ngày sách của NXB càng biến mất và NXB chỉ làm mỗi công việc là ký quyết định xuất bản. Khi đó NXB dần trở thành lệ thuộc đối tác liên kết. Mọi việc từ thẩm định đề tài, biên tập nội dung, trình bày sách… đều do đối tác liên kết quyết định. Thậm chí có đối tác liên kết còn “nuôi” luôn NXB chỉ để có được quyết định xuất bản. “Thậm chí họ còn giao kèo là sẽ chấp nhận đứng ra nộp phạt thay khi cuốn sách bị phạt hoặc có vấn đề” - vị này nói.
Cũng theo vị giám đốc này thì một cuốn sách nhảm ra đời là cần lên án và xử phạt. Công luận và bạn đọc không chỉ dừng lại ở việc chê trách NXB mà cần lên án những đối tác liên kết, những tác giả, dịch giả - người thai nghén và đẻ ra “sách rác”. Bởi trong lĩnh vực xuất bản không có sự trừng phạt nào tối thượng bằng sự quay lưng của độc giả.