Chúng tôi muốn cùng các chuyên gia ngành xuất bản vạch lưng hiện tượng sách nhảm.
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam: “Những loại sách nhảm sai sót thời gian qua là những sách được mang danh giáo dục (giáo dục lịch sử, đạo đức, cung cấp kiến thức, học thuật,...) nhưng lại phản giáo dục. Tác hại của những cuốn sách nhảm mang tính lâu dài, âm ỉ, ngấm dần và có thể làm lệch chuẩn kiến thức, đạo đức, làm tha hóa con người, nhất là những độc giả trẻ”.
Ai là “chủ” thực sự của các NXB?!
. Phóng viên: Theo ông, nguyên nhân xuất hiện những cuốn sách nhảm thời gian qua là do đâu?
Do không đủ điều kiện, NXB không thể tự làm sách nên phải liên kết xuất bản với đối tác bên ngoài. Lẽ ra trong mối quan hệ này NXB phải là người chủ quyết định cho đối tác (vì họ nắm quyền quyết định xuất bản) nhưng họ lại trở thành người bị động, lệ thuộc. Hay nói cách khác là NXB chỉ đi “làm thuê” cho đối tác liên kết. Như vậy vấn đề đặt ra ở đây là ai là chủ thật sự của NXB? Bởi nếu người làm chủ thực sự là NXB thì họ sẽ không bao giờ quyết định cho ra đời những cuốn sách làm hoen ố thương hiệu của chính họ!
. Hiện nay có một số NXB chỉ biết bán giấy phép cho các đối tác liên kết. NXB không quan tâm đến công tác biên tập, quản lý quy trình xuất bản, cấp phép. Thậm chí có NXB bị đối tác liên kết chi phối như ông nói. Vậy phải chăng do mô hình liên kết xuất bản hiện nay đang có vấn đề?
+ Trong thời kỳ được bao cấp, NXB nào cũng tự làm sách để cung cấp cho các thư viện, các công ty phát hành sách nhà nước. Sau này khi cơ chế bao cấp bị xóa bỏ, các NXB phải tự chủ về kinh tế. Vì thiếu vốn, lại không tổ chức được mạng lưới phát hành nên phần lớn các NXB phải làm ăn với các tư nhân dưới danh nghĩa là liên kết xuất bản. Những năm đầu thập niên 1990, hoạt động liên kết xuất bản dù chưa được luật hóa nhưng các đối tác liên kết đã thực sự tham gia vào công tác xuất bản sách. Ngành xuất bản khi đó đầy rối rắm hay nói cách khác là “loạn” xuất bản. Giai đoạn này các loại sách của các tác giả Quỳnh Giao, Kim Dung (Trung Quốc), sách trước 1975 được biến tướng thành sách Việt, sách mang tên tác giả mới được giới tư nhân đưa vào NXB để xin giấy phép. Tuy nhiên, tình trạng này cũng giảm đi, sau đó không còn ai in loại sách này nữa và nhường chỗ cho những xuất bản phẩm có nội dung tốt ngày càng nhiều hơn trên thị trường sau này.
Thực trạng liên kết xuất bản đang có vấn đề và tạo ra lỗ hổng để sách nhảm tấn công môi trường văn hóa. Ảnh minh họa: HTD
Không có liên kết xuất bản thì vẫn có thể có sách nhảm
. Có một số NXB lúc đầu cũng làm sách liên kết dạng này nhưng về sau họ ý thức được sự cần thiết phải đầu tư tự làm sách kế hoạch A nên dần dần sách liên kết giảm hẳn đi ở những NXB đó.
+ Tôi khẳng định liên kết xuất bản là mô thức hợp tác xuất bản phù hợp với xu thế phát triển. Những sai sót hiện nay của một số NXB để cho ra đời các loại sách nhảm mặc dù cũng nằm trong chuỗi liên kết hợp tác này nhưng lỗi không phải do mô thức hợp tác mà do sai sót từ phía các NXB.
Trong cuộc chơi hay trong sự hợp tác nào cũng vậy, nếu anh không có bản lĩnh, không có năng lực làm chủ thì anh sẽ bị người khác chi phối. Nếu đặt giả thuyết không có sự liên kết xuất bản thì có các loại sách nhảm không? Có. Tôi khẳng định là có! Nếu không có liên kết thì các NXB, khi mà chỉ biết chạy theo lợi nhuận, họ sẽ tìm mua các bản thảo rẻ tiền về làm và cũng sẽ đưa ra xã hội những cuốn sách nhảm như vậy thôi!
Hiện nay có một sự ngộ nhận cho rằng vì Nhà nước cho liên kết nên mới xảy ra tình trạng sách nhảm. Đây là một nhận thức rất không đúng. Bởi số sách nhảm được công luận phê phán gần đây là chưa đầy 30 cuốn. Con số này là rất nhỏ so với hàng vạn đầu sách liên kết xuất bản có chất lượng tốt đang bày bán trên thị trường. Nhưng không vì số lượng sách nhảm được phát hiện ít mà ta xem thường và không có biện pháp giải quyết, khắc phục rốt ráo việc này.
Sự tốt đẹp của liên kết xuất bản là đã góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú về nội dung và chủng loại đề tài để bạn đọc có nhiều hơn sự chọn lựa.
. Vậy theo ông có cách nào để ngăn chặn các loại sách nhảm?
+ Việc phải làm ngay trước mắt là cần nhận diện cho được các cuốn sách nhảm đang lưu hành trên thị trường, những tác giả, đơn vị xuất bản, đối tác liên kết của các NXB nào hay để xảy ra sai sót. Tùy theo mức độ vi phạm nặng, nhẹ mà cơ quan quản lý nhà nước phải có biện pháp chế tài như thu hồi sách, xử phạt, rút thẻ hành nghề hoặc đề nghị cơ quan chủ quản của NXB đóng cửa để chấn chỉnh,… Về giải pháp lâu dài, theo tôi nghĩ trước tiên để khắc phục tình trạng này tự thân các NXB nói chung và nhất là các NXB thường để xảy ra sai sót cần phải được củng cố. Bằng cách cần phải xác lập quy chế hoạt động của NXB, trong đó có quy chế liên kết xuất bản, quy chế biên tập xuất bản phẩm... Việc này sẽ giúp quy trình xuất bản được chặt chẽ và không còn lỗ hổng để lọt ra những quyển sách nhảm nữa. Về phía cơ quan chủ quản của NXB cũng cần đầu tư cho khâu nhân sự (nhất là đội ngũ quản lý và BTV) và tài chính để các NXB có đủ điều kiện nhân lực để hoạt động tốt.
. Xin cám ơn ông.
Quy trình ra lò một cuốn sách Luật pháp quy định quy trình xuất bản một cuốn sách rất chặt chẽ. Khi đối tác liên kết xuất bản với NXB để in sách thì NXB phải báo cáo đề tài cho Cục Xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông. Cục Xuất bản xác nhận đề tài và cấp mã số để quản lý lưu chiểu. BTV của NXB sẽ xem qua bản thảo cuốn sách, nếu thấy nội dung tốt thì NXB sẽ ký quyết định xuất bản. Đơn vị liên kết phải nộp cho NXB một khoản tiền quản lý phí. Trước khi cấp quyết định xuất bản, đối tác liên kết phải ký hợp đồng liên kết với NXB. Hợp đồng in sách được ký giữa ba bên là NXB, đối tác liên kết và nhà in (NXB ủy quyền cho đơn vị liên kết trả tiền cho nhà in). Đối tác liên kết phải xuất trình đầy đủ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng minh tác quyền của cuốn sách… Sau đó BTV biên tập bản thảo và trình bày sách. Khi sách ra đời, đối tác liên kết phải nộp lưu chiểu cho NXB. NXB nộp về Cục Xuất bản và hơn 10 ngày sau NXB mới ra quyết định phát hành xuất bản. Sách liên kết xuất bản lên ngôi Thị phần sách hiện nay chứng kiến sự lên ngôi của sách liên kết xuất bản. Một công ty phát hành sách khá lớn tại Việt Nam có đến 200 đối tác cung cấp sách nhưng trong đó chỉ có khoảng 10 NXB, còn lại là các công ty sách tư nhân - là đối tác liên kết của các NXB. Trong 10 NXB thì chỉ có năm NXB có sách A, còn lại năm NXB khác chỉ cấp giấy phép chứ ít khi tự làm sách. Doanh thu hằng năm của công ty phát hành sách này chủ yếu dựa vào sách liên kết xuất bản (vài tỉ đồng/đối tác). “Có một thực tế là sách từ các công ty sách tư nhân bán rất chạy vì nội dung phù hợp với thị hiếu của người đọc. Phổ biến nhất hiện nay là các sách văn học dành cho tuổi mới lớn và sách dạy kỹ năng cho trẻ em được dịch từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy mà rất nhiều công ty sách đầu tư chọn đề tài, biên tập, trình bày và sau đó chỉ liên kết với một NXB để có giấy “khai sinh” hợp pháp cho cuốn sách” - đại diện công ty phát hành sách này chia sẻ. |