'Con mất rồi vẫn làm được việc tốt'

Một chiều cuối tháng 1-2021, đại diện Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy (TP.HCM) đã thay mặt người được hiến tạng đến thăm gia đình ông Hà Minh Tâm ở Đắk Lắk. Ông Tâm là cha anh HMN, qua đời do tai nạn giao thông khi mới 37 tuổi, được gia đình hiến tạng tháng 12-2018. Một lá gan, hai quả thận của anh N. đã ghép thành công cho người cần.

Luôn tâm niệm việc tốt nên làm

Căn nhà nhỏ cũ kỹ của gia đình ông Tâm nằm cuối con đường hướng về phía núi. Đó là một xóm nhỏ nghèo, thưa nhà ở. Khi biết có khách ở TP.HCM đến thăm, vợ chồng ông ra tận ngoài đường đón. Ông kể mình mới đi làm trong Nam về mấy bữa, đang dọn nhà chuẩn bị tết và chăm người vợ đau ốm liên miên sau ngày con trai mất.

Ba năm đã qua nhưng ông Tâm nhớ không sót chi tiết nào về cái ngày định mệnh đã mang con trai ông đi xa. Khi đó, ông và anh N. cùng làm nghề lái xe múc ở Long An nhưng khác địa điểm. Vào một buổi tối, anh N. ra đường mua đồ thì gặp nạn. “Trên đường về gần đến chỗ ở, nó bị một người say rượu đụng phải, được đưa đến BV Long An trong tình trạng chấn thương sọ não. Lúc đó có cuộc gọi đến máy tôi, người bên kia xưng là công an, thông báo con tôi gặp nạn” - ông Tâm kể lại.

Do tình trạng nặng, anh N. được chuyển lên BV Chợ Rẫy với thông báo khó qua khỏi. Ông Tâm gọi điện thoại cho gia đình và được vài người cháu góp ý anh N. cũng khó qua khỏi, nên để lại một phần gì đó dù nhỏ lại trên thế gian này. Dù lúc ấy chưa hiểu nhiều về hiến tạng nhưng ông liền đồng ý. Vợ con, anh em cũng tán thành. “Tôi luôn tâm niệm việc tốt thì nên làm. Con mất đi, người làm cha mẹ nào chẳng đau lòng nhưng khi biết một phần của con còn có thể giúp được người khác nữa thì quá tốt rồi” - ông Tâm nói.

Sau khi trở về quê, nỗi đau mất con chưa nguôi, gia đình ông đã phải đối mặt với nhiều lời dị nghị. “Người ta xì xầm nhiều lắm. Có người còn nói chúng tôi bán tạng con lấy tiền” - thắp nén nhang lên bàn thờ con trai, mắt ông Tâm rơm rớm.

Khi nghe gia đình ông phải hứng chịu điều tiếng không hay, đoàn bác sĩ Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người BV Chợ Rẫy đã về tìm hiểu và mong “giải oan” cho gia đình. TS-BS Dư Thị Ngọc Thu đã đến gặp lãnh đạo thị trấn Ea Knốp, nơi gia đình sống để chia sẻ về câu chuyện và lãnh đạo hết sức bất ngờ, hứa sẽ giải thích cho bà con. “Sau khi việc này được thông báo trên loa, mọi người mới rõ sự tình. Nhiều người xúc động chia sẻ với chúng tôi, thực sự chúng tôi không cần gì hơn thế” - ông Tâm tâm sự.

Đoàn công tác BV Chợ Rẫy trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân” cho người thân anh NHQ vì nghĩa cử cao đẹp. Ảnh: HOÀNG LAN

Một người ở Hà Nội sau khi nhận gan hiến của con tôi đã liên lạc với tôi cho biết sức khỏe tiến triển tốt sau ghép tạng. Tôi rất mừng vì họ được cứu sống, điều này an ủi tôi nhiều lắm.

PHẠM THỊ MAI, Bà Rịa-Vũng Tàu

Mẹ muốn hiến tạng nhưng con đi trước...

“Tôi từng nghe có người nói với mình là con chết rồi mà còn mang đi mổ xẻ. Với tôi, điều đó không quan trọng bằng việc cứu những người đang bệnh tật, khổ sở. Chẳng phải là dù con mất đi rồi nhưng vẫn còn làm được việc tốt sao” - bà Phạm Thị Mai (Bà Rịa-Vũng Tàu) chia sẻ về quyết định hiến tạng con là anh NHQ qua đời vì tai nạn giao thông cách đây không lâu.

Trước đó, vào ngày 2-12-2020, trên đường đi làm về anh Q. gặp tai nạn, được đưa vào BV Bà Rịa cấp cứu. Sau ba ngày chiến đấu với tử thần, hơi thở anh tàn dần. Bà Mai bàn với các con việc hiến tạng anh Q. và được mọi người đồng lòng. “Sinh thời Q. là đứa con hiếu thảo, đối xử rất tốt với mọi người, ai cũng thương. Tôi tin con tôi sẽ ủng hộ ý nguyện của mẹ” - bà Mai tâm sự.
Nhiều năm làm công tác xã hội ở địa phương, hiểu rõ ý nghĩa của việc hiến tạng cứu người, bà Mai đã dặn các con khi bà qua đời, họ phải giúp bà thực hiện tâm nguyện. Không ngờ anh Q. phận mỏng ra đi trước.

TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, cho biết lá gan và trái tim của anh Q. đã được đưa ra Hà Nội và Huế ghép cho hai người. Hai quả thận được ghép cho hai người, trong đó một người bị bệnh lý van tim, cuộc mổ ghép hết sức khó khăn, thậm chí có lúc tính đến phương án cắt bỏ thận ghép. May mắn người bệnh đã đáp ứng điều trị và hồi phục tốt.

Kỷ niệm chương mang ý nghĩa đặc biệt

Chia sẻ một phần cơ thể với người kém may mắn là nghĩa cử không gì có thể so sánh, bù đắp được. Trách nhiệm của các đơn vị điều phối và ghép tạng là làm sao điều trị tốt nhất, bảo vệ món quà của người hiến.

Với những gia đình có người hiến tạng, hằng năm Bộ Y tế đều cử đại diện đến trao kỷ niệm chương “Vì sức khỏe nhân dân”. Trên thực tế, nhiều gia đình bị hiểu nhầm là bán tạng người thân, lễ trao tặng kỷ niệm chương là minh chứng cho nghĩa cử cao đẹp, giúp họ giải oan và động viên tinh thần. Từ đó, nhiều gia đình đã vững tin hơn, thoát khỏi trầm cảm do điều tiếng không hay.

TS-BS DƯ THỊ NGỌC THU, Trưởng Đơn vị điều phối
ghép các bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy
 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm