“Còn người mua là còn chợ tự phát!?”

Theo một tiểu thương, tâm lý của người mua là ngại tấp vô lề để mua hàng nên phải bày ra giữa đường cho họ dễ thấy, dễ mua!!!

Gần đó, cổng Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc ngập ngụa rác do tiểu thương đổ, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Một người dân sinh sống nhiều năm ở đây cho biết: “Khoảng năm 2000, gia đình tôi và nhiều người giao đất khu vực chợ Cây Quéo cho Nhà nước để mở rộng đường. Ai ngờ đường xong thì chợ cũng dẹp luôn, nhiều tiểu thương không biết làm nghề gì khác nên vẫn dọn hàng ra lòng đường bán. Hễ có lực lượng bảo vệ trật tự xuống họ vội dọn hàng lên lề, ai không lẹ chân thì bị phạt. Cá biệt có hộ bị phạt tới 10 lần nhưng vẫn lấn lòng đường vì còn người mua là còn người bán”.

Cũng theo ghi nhận trong ngày 9-4, từ sáng sớm các hẻm quanh khu vực chợ Bàn Cờ, phường 3, quận 3 (như hẻm 644 Nguyễn Đình Chiểu, 212 Nguyễn Thiện Thuật, 174 Nguyễn Thiện Thuật, 51 Cao Thắng) đã ken đặc người đi chợ. Các hộ kinh doanh tự do để dù, ghế, xe hay treo hàng lấn ra tới giữa hẻm bất chấp các biển cấm buôn bán. Ngay cả khu vực để dụng cụ phòng cháy, chữa cháy cũng bị người dân tận dụng giữ xe hoặc làm chỗ cho khách ăn uống.

 
Hẻm 242 đường Nguyễn Thiện Thuật là khu dân cư, cấm họp chợ nhưng thường xuyên bị lấn chiếm như thế này. Ảnh: H.LAN

 
Sau khi chợ tự phát tan, người dân lại hứng chịu nỗi khổ về rác. (Ảnh chụp chiều 9-4 trên đường Hoàng Hoa Thám) Ảnh: H.LAN

Chị K., sống trong hẻm 664 Nguyễn Đình Chiểu, than thở: Mỗi buổi sáng cả nhà phải mất rất nhiều thời gian để chạy xe ra khỏi hẻm, có khi còn bị tiểu thương cạnh khóe: “Sao lại chạy xe vào chợ”. “Đầu hẻm 174 đường Nguyễn Thiện Thuật có rất nhiều nhà cho giữ xe lấn đường, thậm chí bày bán hàng quán như phở, hủ tíu ngay giữa đường rất mất vệ sinh. Chợ đông nên thường xuyên xảy ra tình trạng móc túi, cãi cọ vì tranh giành khu vực, người này lấn ra thì người kia cũng lấn ra vì sợ bị thiệt thòi. Chúng tôi đã phản ánh với chính quyền nhiều lần nhưng đâu vẫn vào đấy” - chị K. cho biết.

Cùng chung hoàn cảnh, ông T. hẻm 664 đường Nguyễn Đình Chiểu rầu rĩ: “Không ít vụ tranh chấp, đánh nhau từng xảy ra vì tranh giành lấn chiếm hẻm. Đường hẹp như vậy, lỡ cháy cũng không biết chạy đường nào. Mặc dù hẻm lớn nhưng nhiều nhà có đám tiệc đành phải cho khách gửi xe ở đầu hẻm, còn nhà có người bệnh thì phải khiêng ra đầu hẻm chứ xe cấp cứu không vào được”.

Ông Lê Hữu Thọ, Trưởng Ban quản lý chợ, thừa nhận: “Chợ Bàn Cờ có đặc thù là không nhà lồng, không cổng chợ, lại nằm hoàn toàn trong khu dân cư nên rất khó quản lý các trường hợp lấn hẻm để buôn bán. Ban quản lý cũng rất đau đầu khi phải đứng ra giải quyết xích mích giữa hộ dân và người kinh doanh. Ban quản lý ngày nào cũng đi tuần tra, nhắc nhở các hộ kinh doanh không lấn chiếm lòng đường, lối đi chung nhưng do chúng tôi không có thẩm quyền xử phạt nên không ăn thua!”.

HOÀNG LAN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm