Công an cảnh báo nhiều trò lừa đảo mùa dịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Công an cho biết trước sự ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các loại án đều giảm nhưng một số người phạm tội đã lợi dụng thời gian giãn cách xã hội để gây án, trong đó có lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các thủ đoạn tuy không mới nhưng vẫn có nhiều nạn nhân mắc bẫy và bị lừa đảo mất số tiền lớn.

Mất trăm triệu đồng từ một tin nhắn

Một trong những thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay là gửi tin nhắn hoặc cuộc gọi mạo danh các cơ quan như tòa án, công an, bưu điện… dụ dỗ, đe dọa nạn nhân cung cấp mã OTP nhằm rút tiền trong tài khoản ngân hàng.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, chat Zalo, Facebook… Ảnh minh họa: TUYẾN PHAN

Ngày 14-9, bà TTTH (43 tuổi, trú tại Bắc Kạn) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Người bên kia đường dây tự xưng là công an, nói rằng bà đang liên quan đến đường dây tội phạm, sẽ đến nhà bắt giam bà. Nếu muốn thoát tội, bà H cần mở tài khoản ngân hàng, chuyển tiền vào đó rồi cung cấp mã OTP để cơ quan công an xác minh thông tin vụ việc.

Quá lo sợ, bà H làm theo, mở tài khoản rồi hai lần chuyển hơn 1,2 tỉ đồng. May mắn cho bà H khi có một lệnh chuyển tiền không thực hiện được, bà H chỉ bị lấy mất 100 triệu đồng.

Ngày 16-9, anh HNT (29 tuổi, trú tại Hà Nội) có nhu cầu vay tiền lãi suất thấp nên đăng ký vay tiền online qua app. Tuy nhiên, khi anh thực hiện theo hướng dẫn của app thì tài khoản của anh bỗng dưng bị trừ hơn 250 triệu đồng. Hậu quả, tiền vay không thấy đâu, anh T còn bị lừa mất số tiền lớn.

Tương tự, ngày 18-9 vừa qua, ông NVT (63 tuổi, trú tại Hà Nội) đã đến cơ quan công an trình báo về việc nhận được tin nhắn từ số điện thoại lạ với nội dung: “Tài khoản của bạn sẽ bị ngừng dịch vụ vào ngày 18-9-2021 lúc 22:00. Vui lòng vào www:mxsccb.com để kiểm tra”. Tò mò nên ông T làm theo hướng dẫn. Tuy nhiên, ngay khi ông T đăng nhập vào đường link trên điện thoại thì phát hiện tài khoản bị rút mất 399 triệu đồng.

Một thủ đoạn lừa đảo khác là kêu gọi đầu tư vào các sàn giao dịch điện tử, mang lại lợi nhuận rất cao, giúp nhà đầu tư giàu lên nhanh chóng. Nổi cộm là hoạt động của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (binary option - BO).

Thời gian gần đây, nhiều tổ chức, cá nhân tại Việt Nam thiết lập hàng trăm sàn giao dịch quyền chọn nhị phân và giới thiệu là sản phẩm của công nghệ tài chính nước ngoài, gắn mác ứng dụng công nghệ để lừa đảo người khác.

Đây là hình thức đầu tư tài chính mà người mua sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số... tại thời điểm dự đoán. Nếu dự đoán đúng, nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận theo tỉ lệ sàn đưa ra, nếu dự đoán sai, nhà đầu tư sẽ mất toàn bộ số tiền cho giao dịch.

Cảnh báo từ cơ quan công an

Theo Công an TP Hà Nội, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều người có nhu cầu vay tiền. Đánh vào tâm lý muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện, các đối tượng đã tạo lập các app vay tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Do vậy, người dân cần cảnh giác, không cài đặt các app vay tiền online hoặc vay tiền qua mạng xã hội. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay vốn.

Với các cuộc gọi mạo danh, Công an TP Hà Nội khẳng định nếu làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương, không có chuyện yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng hoặc cung cấp mã OTP để phục vụ điều tra.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân qua tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Facebook…) và không truy cập vào đường link với nội dung giả mạo ngân hàng. Mọi người cũng cần thường xuyên thay đổi mật khẩu đăng nhập tài khoản Internet Banking, SmartBanking và có biện pháp để quản lý, bảo mật các thông tin này; tuyệt đối không cung cấp, không nhập mã OTP cho bất kỳ ai để tránh mắc bẫy…•

 

Các sàn giao dịch nhị phân không được cấp phép

Bộ Công an cũng từng nhiều lần cảnh báo về tính rủi ro và dấu hiệu lừa đảo từ các sàn giao dịch nhị phân. Theo đó, các sàn giao dịch dạng này đang hoạt động tại Việt Nam đều không thuộc đối tượng được xem xét cấp phép.

Phần lớn các sàn do tổ chức, cá nhân người Việt Nam thiết lập và điều hành, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút và phát triển số lượng nhà đầu tư tham gia. Khi huy động được lượng tiền đủ lớn, các đối tượng chủ sàn sẽ can thiệp vào giá, điều chỉnh thắng thua nhằm mục đích chiếm đoạt tiền.

Người tham gia vào các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân như nêu trên có nguy cơ bị mất tiền, tài sản. Ngoài ra, các sàn sử dụng đồng tiền ảo để giao dịch, do vậy người tham gia sẽ không được pháp luật bảo vệ khi có tranh chấp xảy ra…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm