TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội, việc đi ra đường đã bị hạn chế nhiều để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19. Chỉ một số người tham gia các hoạt động thiết yếu mới được cấp phép ra đường.
Lợi dụng lòng tin của người dân, có người đã mạo nhận mình được cấp giấy đi đường để nhận mua hàng giúp người dân rồi lừa đảo.
Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số người dân ở quận Bình Thạnh đã thông tin về việc bị một người tham gia các nhóm Zalo cư dân, nhận mình có giấy đi đường để mua lương thực, thực phẩm và các đồ dùng khác cho cư dân trong nhóm. Sau khi được nhờ mua hàng và nhận tiền chuyển khoản, người này đã khóa các kênh liên lạc. Hiện người dân đã làm đơn tố cáo vụ việc đến cơ quan công an.
Sao lại nhẫn tâm lừa gạt nhau như vậy?
Anh Trần Bá Đức (phường 12, quận Bình Thạnh) cho biết ngày 28-8 anh có đặt mua một số thực phẩm trên nhóm cư dân. TP.HCM đang thực hiện giãn cách xã hội, anh không thể ra ngoài, shipper thời điểm này cũng tạm ngưng giao hàng nên khi thấy có người rao bán hàng trong nhóm cư dân, giá cả hợp lý, tiện lợi, anh đã đặt mua.
Cũng theo anh Đức, người bán hứa sau khi chọn hàng sẽ giao sau một ngày. Người bán còn chụp ảnh cả giấy đi đường cho anh xem nên anh đã tin tưởng đặt mua một số loại thực phẩm với tổng đơn hàng gần 500.000 đồng. Người này nói đơn hàng trên 300.000 đồng thì phải chuyển khoản trước. Anh Đức đã chuyển khoản và chờ giao hàng trong ngày hôm sau.
“Hôm sau tôi gọi điện thoại thì họ hẹn chiều giao nhưng khoảng nửa tiếng sau thì người này khóa hết tài khoản, hủy kết bạn trên mạng xã hội, tôi không liên lạc được. Lúc đó tôi vẫn chưa tin mình bị lừa, chỉ khi lên nhóm Zalo chung cư mới biết. Rất nhiều người đặt mua hàng của người này cũng bị gạt giống tôi…” - anh Đức nói.
Công an khuyến cáo người dân nên đặt hàng qua những app bán hàng uy tín. Ảnh: NGUYỄN TRÀ
Chị Ngọc Loan (quận Tân Phú) cho biết chị cũng đã đặt 1,8 triệu đồng tiền thực phẩm cho một người bán hàng trong một nhóm Zalo cư dân. Số hàng này chị đặt cho gia đình người em bị nhiễm COVID-19 ở phường 11, quận Bình Thạnh. Tiền đơn hàng chị cũng đã chuyển khoản đầy đủ nhưng thực phẩm đã đặt sau mấy ngày vẫn biệt tăm biệt tích.
“Tội gia đình em tôi đã hết thực phẩm và phải chờ cả ngày không thấy ai giao đồ gì cả. Gọi điện thoại hỏi thì bên bán bảo chờ, sau đó thì không liên lạc gì được luôn. Nghi bị lừa gạt, tôi lên Facebook và nhóm Zalo cư dân xem và thấy cũng có nhiều người đặt hàng như tôi cũng không nhận được hàng. Tên và số tài khoản người bán mà mọi người cảnh báo đều trùng với người tôi đã đặt hàng. Đang mùa dịch, ai cũng khổ mà sao có người lại nhẫn tâm đi lừa gạt nhau như vậy” - chị Loan chia sẻ.
Nên mua hàng ở những nhà cung cấp uy tín
Theo danh sách tổng hợp thông tin do người dân cung cấp, hiện có 21 người đã chuyển khoản cho người này với tổng số tiền gần 14 triệu đồng.
Một nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM cho biết Công an quận Bình Thạnh đã tiếp nhận vụ việc này. Theo đó, nạn nhân của vụ việc trên không chỉ ở phường 12 (quận Bình Thạnh) mà còn ở nhiều địa phương khác. “Chúng tôi đã có văn bản yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản này và đang đợi công văn trả lời phía ngân hàng” - nguồn tin cho hay.
Trao đổi với PV, một lãnh đạo Công an TP.HCM khuyến cáo nhiều đối tượng lừa đảo đã lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp để ra tay. Để tránh sập bẫy những đối tượng lừa đảo, người dân chỉ nên mua hàng ở những nhà cung cấp uy tín, những app được phép hoạt động.
Đơn tố cáo của người dân. Ảnh do người dân cung cấp
Ngoài ra, người dân có thể mua ở chỗ người quen hoặc phải biết người bán là ai bằng cách đối chiếu thông tin, kiểm tra thông tin Facebook, Zalo, lượng tương tác thật. Khi giao dịch phải theo nguyên tắc trả tiền giao hàng, đồng ý cho kiểm tra hàng mới trả tiền.
“Hiện nay, giao hàng công nghệ đã được phép hoạt động trở lại ở một số vùng, kết hợp với các lực lượng hỗ trợ đang hoạt động sẽ giúp TP tăng cường việc phục vụ hàng hóa thiết yếu cho người dân trong thời gian tới nên bà con an tâm” - vị lãnh đạo chia sẻ.
Muôn kiểu lừa đảo mùa dịch Dịch bệnh phức tạp, người dân không thể ra ngoài, nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội, vào các hội nhóm cư dân, chung cư trên mạng xã hội để đăng bán hàng, quảng bá dịch vụ tiêm vaccine, bán các sản phẩm có khả năng phòng ngừa virus để lừa người dân. Nhiều đối tượng còn tạo các website bán hàng trực tuyến các vật tư y tế cần thiết trong mùa dịch như khẩu trang, nước rửa tay khử khuẩn, máy đo nồng độ ôxy… Tuy nhiên, sau khi người mua chuyển khoản, đối tượng sẽ cắt liên lạc và không giao hàng như hứa hẹn. Hiện nay, TP đã có nhiều chương trình an sinh hỗ trợ người dân về y tế, lương thực, thực phẩm qua tổng đài 1022 và các đường dây nóng ở từng địa bàn người dân cư trú. Khi có nhu cầu cần hỗ trợ, người dân nên liên hệ các địa chỉ trên để được hỗ trợ, tránh bị lừa đảo. Một lãnh đạo Công an TP.HCM |