Lao động ngành đường sắt ngừng, nghỉ việc khó tiếp cận gói hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong văn bản vừa gửi Bộ LĐ-TB&XH, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết do dịch COVID-19, từ đầu năm đến nay hoạt động sản xuất của ngành gặp nhiều khó khăn. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, VNR tổ chức chạy 3.173 đoàn tàu khách giảm 3.282 đoàn so với cùng kỳ năm 2020.

Với tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, VNR dự kiến hết năm 2021 tiếp tục lỗ 1.036 tỉ đồng, đặc biệt số lao động phải tạm ngừng, nghỉ việc không lương là 5.520 người.

Hiện tại VNR đang tập hợp hồ sơ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để trả lương ngừng việc và phục hồi sản xuất, đồng thời làm thủ tục xin hỗ trợ gói 26.000 tỉ đồng cho người lao động.

Trong quá trình thực hiện VNR gặp một số khó khăn. Chẳng hạn Quyết định số 23 của Thủ tướng về nhận gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng đưa ra điều kiện vay vốn là “hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn” để doanh nghiệp vay vốn trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất kinh doanh theo quy định.

Tuy nhiên, do tình hình dịch COVID-19 bùng phát trở lại nên Cục thuế Hà Nội chưa tiến hành việc quyết toán thuế năm 2020 đối với VNR. Do đó, ngành đường sắt không thể đáp ứng ngay được điều kiện này khi hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

Ngoài ra, VNR cũng nhận thấy điều kiện hỗ trợ người lao động là phải có quy định tạm dừng hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19. Nhưng thực tế do dịch bùng phát, các địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16, không cho phép các đoàn tàu đón trả khách tại các ga dọc tuyến đường sắt. Nên VNR phải dừng tất cả các đoàn tàu khách trên toàn mạng lưới mà không có bất cứ quyết định nào.

Dự kiến sẽ có hơn 5.500 người lao động ngành đường sắt phải ngừng, nghỉ việc. Ảnh: ĐINH NGỌC TUẤN MỸ

“Hiện 5.000 người lao động của ngành đường sắt phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương, đời sống vô cùng khó khăn nhưng vẫn không tiếp cận được với chính sách hỗ trợ của gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng. Vì vậy, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sửa đổi các quy định trên để người lao động được hưởng lợi từ chính sách của Nhà nước…”- VNR cho hay.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết hiện điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và người sử dụng lao động. Do đó, bộ đang lấy ý kiến các bộ, dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 và Quyết định 23 về chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp (gói an sinh 26.000 tỉ đồng).

Cụ thể, Nghị quyết số 68 và Quyết định 23 sẽ được sửa theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để người sử dụng lao động và người lao động được hỗ trợ kịp thời.

Chẳng hạn chính sách hỗ trợ duy trì việc làm, tới đây sẽ giảm điều kiện doanh nghiệp có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ từ 10% trở lên xuống 5%. Bổ sung đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ là người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; bổ sung đối tượng phải điều trị COVID-19 trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị số 16…

“Đặc biệt, dự thảo nghị định lần này bỏ quy định không được vay vốn nếu còn nợ xấu tại các ngân hàng; bỏ điều kiện xác nhận về thuế… để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay tiền trả lương cho người lao động và phục hồi sản xuất…”- Bộ LĐ-TB&XH đề xuất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm