Trong văn bản vừa gửi đến Thủ tướng, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) đề nghị cơ cấu lại các doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Trong đó đề xuất giải thể và sáp nhập một số đơn vị của ngành này.
“Sinh” ra nhiều xí nghiệp tổ chức cồng kềnh
Theo Ủy ban, giai đoạn 2016-2019, doanh thu hợp nhất của VNR là 29.055 tỉ đồng, bình quân 7.264 tỉ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế trung bình trên 114 tỉ đồng/năm, nộp ngân sách nhà nước 3.692,11 tỉ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 8,2 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2020, VNR có doanh thu 6.281 tỉ đồng, lỗ 1.300 tỉ đồng, số lỗ này một phần do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lượng khách đi tàu năm 2020 chỉ bằng 47,5% cùng kỳ năm 2019. Số lỗ còn lại chủ yếu phải trích lập dự phòng hơn 1.099 tỉ đồng từ các khoản thua lỗ, chậm nộp thuế tồn tại từ trước khi VNR chuyển giao về Ủy ban.
Trong khi đó, Ủy ban cho rằng bộ máy VNR còn bất cập cần phải điều chỉnh. Chẳng hạn hiện nay vẫn còn năm chi nhánh xí nghiệp đầu máy gồm: Chi nhánh xí nghiệp đầu máy Yên Viên, Hà Nội, Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn được bố trí dọc từ Bắc vào Nam. Các xí nghiệp này tổ chức cồng kềnh, nhỏ lẻ, số lượng đầu máy phân tán, nhiều chi nhánh dẫn đến tăng chi phí quản lý, chi phí cố định, không khai thác tối đa các đầu máy có hiệu quả.
Cạnh đó, phương thức tổ chức kéo đoàn tàu chạy suốt từ Hà Nội vào TP.HCM và ngược lại do được đầu tư gần 100 đầu máy mới với công suất lớn nên không cần thiết bố trí nhiều xí nghiệp. Do vậy, chỉ cần giữ lại 3/5 xí nghiệp để đảm bảo cấp nhiên liệu, sửa chữa nhỏ các đầu máy trong quá trình vận hành là đủ.
Vì vậy, Ủy ban đề nghị Thủ tướng chấp thuận đề xuất của VNR về việc giữ nguyên mô hình quản lý tập trung sức kéo tại VNR như hiện nay nhưng thực hiện thu gọn đầu mối các xí nghiệp đầu máy từ năm chi nhánh thành ba chi nhánh. “Việc này sẽ giảm được 12 phòng, 107 người lao động, dự kiến giảm chi phí khoảng 63 tỉ đồng…” - Ủy ban cho hay.
Tới đây, ngành đường sắt sẽ tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn.
Ảnh: Đ.T.MỸ
Không cần đến ba ban quản lý dự án đường sắt
Cũng theo Ủy ban, VNR hiện có ba ban quản lý dự án đường sắt (QLDA). Đây là các đơn vị sự nghiệp của VNR, hạch toán độc lập, hoạt động theo cơ chế tự chủ hoàn toàn về nhân sự và tài chính.
Nhiệm vụ của các ban QLDA này trước đây chủ yếu triển khai dự án được Chính phủ, Bộ GTVT ủy quyền giao cho VNR thực hiện. Nhưng từ năm 2018, VNR chuyển về Ủy ban, tất cả dự án này do ban QLDA của Bộ GTVT thực hiện. Vì vậy, các ban QLDA đường sắt chỉ thực hiện số ít dự án do VNR làm chủ đầu tư, dẫn đến không bố trí đủ công ăn việc làm cho các cán bộ, người lao động, trong khi vẫn phải duy trì trả lương, chi phí liên quan đến hoạt động chung.
Vì vậy, Ủy ban kiến nghị Thủ tướng chuyển nguyên trạng toàn bộ hoạt động, tài sản, con người đang có tại Ban QLDA đường sắt khu vực 1, 2, 3 về một ban QLDA có các điều kiện tốt nhất về quy mô, kinh nghiệm... Chấm dứt hoạt động của hai ban QLDA đường sắt còn lại.
“Quyết định trên dự kiến giảm được tám phòng, 23 lao động gián tiếp, chi phí hoạt động tiết giảm được 5,6 tỉ đồng…” - Ủy ban cho hay.
Sáp nhập hai công ty cổ phần vận tải đường sắt
Đối với hai Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Sài Gòn, ủy ban này cho rằng hiện các công ty đều thiết lập mạng lưới riêng về nhân sự, trụ sở làm việc, kho bãi… làm phát sinh lao động, tiêu tốn cơ sở vật chất, tăng chi phí... giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc có hai công ty cổ phần vận tải đường sắt dẫn tới chia nhỏ nguồn lực về toa xe, kho bãi, phương tiện xếp dỡ, vốn đầu tư... Vì vậy, công tác điều hành, vận dụng quay vòng toa xe năng suất thấp; công tác sửa chữa toa xe dàn trải không đảm bảo chất lượng. Muốn đủ toa xe, phương tiện xếp dỡ từng công ty phải tự đầu tư, vay vốn... mà không thể sử dụng chung các nguồn lực hiện có, càng làm giảm sút hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh…
Theo Ủy ban, dù là hai công ty riêng biệt nhưng vẫn phải có các quy trình, tác nghiệp phối hợp hoặc làm hộ, phát sinh khối lượng thống kê, kiểm đếm, thanh toán... giữa các công ty vận tải tăng thêm, gây nhiều khó khăn, tốn thêm chi phí, nhân công, luôn xảy ra các tranh chấp, làm ảnh hưởng đến chất lượng vận tải.
“Các vấn đề nêu trên đang triệt tiêu sức mạnh, suy giảm nguồn lực của cả hai công ty và của chính VNR. Nên việc hợp nhất hai công ty vận tải đường sắt là hết sức cấp bách, cần thiết để mang lại hiệu quả cho VNR trong sản xuất, kinh doanh…” - Ủy ban nhận định
Vì vậy, Ủy ban này kiến nghị Thủ tướng chấp thuận sáp nhập hai Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn thành một Công ty cổ phần Vận tải đường sắt. “Đồng thời, giao Ủy ban chỉ đạo VNR triển khai phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức của VNR theo phương án được Thủ tướng chấp thuận và đảm bảo đúng quy định của pháp luật…” - Ủy ban cho hay.•
Kiến nghị giao Hội đồng thành viên VNR sắp xếp, cơ cấu lại Năm 2009, VNR được chuyển đổi từ nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Với vốn điều lệ ban đầu là 3.250 tỉ đồng. VNR có 18 đơn vị phụ thuộc, năm đơn vị sự nghiệp, 25 công ty con, 15 công ty liên kết, hai công ty góp vốn khác. Theo Ủy ban, việc sắp xếp lại các đơn vị trên sẽ ảnh hưởng đến người lao động. Vì vậy cơ quan này kiến nghị Chính phủ giao Hội đồng thành viên VNR tổ chức triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo khả thi; thực hiện trình tự, thủ tục sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức các đơn vị theo đúng quy định của pháp luật, không để phát sinh khiếu nại, khiếu kiện. “Trong quá trình thực hiện, Hội đồng thành viên VNR chủ động quyết định điều chỉnh tiến độ cho phù hợp với tình hình thực tế nhưng phải đảm bảo hoàn thành đúng kế hoạch thực hiện…” - Ủy ban báo cáo. Ngày 29-7, lãnh đạo Cục Đường sắt cũng cho biết đã kiến nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án cơ cấu lại VNR và phê duyệt phương án thoái vốn của các đơn vị thành viên trực thuộc để đơn vị này có cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo. |