Cảnh báo lừa đảo vay tiền ngân hàng trong mùa dịch

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc thông tin về việc bị lừa đảo qua các app vay tiền trên mạng. Cụ thể, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, nhiều người phải lâm vào hoàn cảnh khó khăn do thất nghiệp, mất việc làm… Để giải quyết khó khăn trước mắt, một số người đã tìm thông tin vay tiền trên mạng.

Mặc dù trước đó, báo chí đã liên tục có bài viết cảnh báo về nạn vay tiền qua mạng nhưng vẫn có rất nhiều người bị lừa đảo. Kết quả không những không vay được tiền mà người vay còn bị mất thêm tiền.

Bị lừa vì thủ tục quá đơn giản

Chị TTAN (Đồng Nai) cho biết do tình hình dịch bệnh, công ty không có đơn hàng sản xuất nên chị bị thất nghiệp. Không có thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày và đang phải nuôi con nhỏ nên chị phải tìm kiếm thông tin vay tiền trên mạng.

Không khó để tìm thấy thông tin của nơi cho vay, chị N đã liên hệ thông qua Zalo với một người tự giới thiệu là lo duyệt hồ sơ vay của Ngân hàng (NH) S với khoản vay 30-50 triệu đồng.

Hồ sơ vay rất đơn giản, người này yêu cầu chị N chỉ cần gửi hai mặt của CMND hoặc CCCD, một ảnh chân dung, số điện thoại và số tài khoản để nhận tiền giải ngân. Sau màn phổ biến về hồ sơ vay xong, người này cho biết phí hoa hồng duyệt hồ sơ giải ngân nhanh trong 1 giờ là 1,5 triệu đồng.

“Thủ tục vay đơn giản, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là có thể vay được tiền nên tôi đã đồng ý và chuyển 1,5 triệu đồng để được duyệt giải ngân ngay số tiền vay 50 triệu đồng” - chị N nói.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi chị N chuyển 1,5 triệu đồng xong thì người này cho biết khoản vay đã được duyệt thành công. Đồng thời thông báo với khoản vay 50 triệu đồng, để có thể giải ngân ngay được, khách hàng cần thanh toán tiền gốc và lãi tháng đầu tiên là 4,55 triệu đồng.

Vì chỉ còn một bước nữa là vay được tiền nên chị N đã đi vay người thân thêm 4,55 triệu đồng để chuyển cho đối tượng. Tuy nhiên, sau khi nhận tiền xong, người này lại tiếp tục yêu cầu chuyển thêm 2,49 triệu đồng phí niêm yết đặt cọc hợp đồng.

Cho tới lúc này, chị N mới nhận ra mình đang bị lừa và không đồng ý chuyển thêm tiền nữa thì người này khóa Zalo khiến chị L không thể liên hệ.

Với cách thức tương tự, anh LTD (Đà Nẵng) cũng bị một người tự giới thiệu làm ở NH B, có thể xét duyệt cho vay online với thủ tục đơn giản.

Để vay được số tiền 70 triệu đồng, anh D phải chuyển trước cho bên cho vay 3,5 triệu đồng tiền phí bảo hiểm. Sau khi chuyển xong, người này cũng chặn Zalo khiến anh L không thể liên lạc.

May mắn hơn, anh NVP ở huyện Nhà Bè, TP.HCM cũng tìm kiếm thông tin vay tiền trên mạng và được một người tư vấn, xét duyệt thành công khoản vay 40 triệu đồng với thời hạn vay 36 tháng, lãi suất 0,5%/tháng.

Điều đáng nói là tiền không được giải ngân vào trực tiếp tài khoản của anh P mà lại được giải ngân thông qua một app trên điện thoại. Sau đó, bên cho vay yêu cầu anh P phải thanh toán trước nhiều khoản phí thì mới được rút tiền. Thấy có nhiều điều không rõ ràng nên anh P đã từ chối chuyển các khoản phí và bỏ luôn khoản vay này.

Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên điện thoại, các đối tượng dễ dàng móc túi tiền của các nạn nhân. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Ngân hàng không nhận hồ sơ vay qua mạng xã hội

Ông Phạm Nhất Anh Pha, chuyên gia tín dụng của một NH, cho biết muốn vay vốn thì khách hàng phải trực tiếp đến NH để làm hồ sơ, ký hợp đồng tín dụng mới được giải ngân. NH không nhận hồ sơ vay qua các trang mạng xã hội, đồng thời cũng không yêu cầu khách hàng chuyển tiền thanh toán các khoản phí nào trước khi giải ngân.

Ông Pha cũng cho biết hiện nay, do dịch bệnh, nhiều người gặp khó khăn nên nhu cầu vay tiêu dùng với những khoản tiền nhỏ (dưới 50 triệu đồng) rất lớn. Cho nên lợi dụng vào nhu cầu cấp thiết cần tiền ngay của người dân, một số đối tượng đã lợi dụng để tư vấn, lôi kéo nhằm lừa người vay tiền.

Các đối tượng lừa đảo lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm thông tin những người đang có nhu cầu vay tiền, từ đó tìm đủ mọi cách để dụ dỗ. Để không bị lừa đảo, trước khi đi vay tiền ở bất cứ đâu, người vay phải tự đặt ra câu hỏi: Người này là ai, đang làm cho NH nào, chi nhánh và phòng giao dịch ở đâu?… để khi gặp sự cố thì cũng có một địa chỉ tìm đến để yêu cầu xác minh thông tin.

“Tôi thấy thói quen dễ dàng gửi thông tin cá nhân (CMND, CCCD, mã OTP) của mình cho người khác cũng là điểm yếu để nhiều đối tượng lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, người dân nên lưu ý nguyên tắc làm việc “người thật, việc thật” trong các giao dịch để tránh bị lừa đảo” - ông Pha khuyến cáo.

Công an đã triệt phá đường dây vay tiền qua Facebook

Vừa qua, Công an thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế đã triệt phá thành công chuyên án, bắt giữ nhóm đối tượng có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, nhóm đối tượng này sử dụng mạng xã hội, sau đó giả mạo là người của công ty tài chính và đăng thông tin cho vay tiền trên Facebook. Khi người có nhu cầu vay tiền liên hệ với nhóm này qua ứng dụng Messenger, chúng yêu cầu bị hại cung cấp số CMND và sổ hộ khẩu cùng số điện thoại và yêu cầu bị hại chuyển trước các khoản phí dịch vụ để thực hiện các thủ tục cho vay tiền.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm