“Những ngày nắng nóng, nhiều chất liệu, vật liệu trở nên hanh khô, chỉ cần một tia lửa nhỏ đã dễ dàng bốc cháy, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhiều thói quen của bà con dẫn tới tự đốt nhà mình, thậm chí gây cháy lan đốt luôn nhà hàng xóm…”.
Thượng tá Đỗ Văn Kháng, Phó phòng Cảnh sát PCCC TP.HCM (ảnh), thông tin cùng Pháp Luật TP.HCMnhững nguy cơ gây cháy nổ mùa nắng nóng và một số giải pháp đảm bảo an toàn.
3 thói quen tự đốt nhà
Đầu tiên, những ngày nắng nóng, người dân có thói quen sau khi dọn dẹp nhà cửa thì gom rác đốt cho sạch sẽ. Thời tiết hanh khô nên mọi chất liệu cũng dễ cháy hơn, đỡ mất công, tốn sức nhen nhóm. Nhưng ai ngờ sạch chưa thấy đâu, cháy luôn nhà mình, cháy luôn công xưởng kế bên,…
Mới chỉ mấy ngày trước, quận 9 xảy ra một vụ cháy. Người dân thu gom cỏ đốt gây cháy lan. Hàng trăm cảnh sát PCCC được điều động nhanh chóng tới dập lửa. Những vụ cháy do thói quen chết người này thường xảy ra ở các quận ngoại thành như quận 9, quận 2, huyện Bình Chánh, quận Thủ Đức,…
Một câu chuyện tương tự xảy ra ở quận 8 ngày 23 Tết cách đây ba năm. “Người dân đốt cỏ ở mộ, lửa lớn, không kiểm soát được nên đốt luôn nhà xưởng kế bên với diện tích 1.000 m2. Đốt cỏ, đốt rác không có người trông coi là thói quen gây hỏa hoạn rất lớn trong mùa nắng nóng. Đã đốt phải tạo ranh cản lửa. Khoanh vùng giới hạn từng khu vực để tiện kiểm soát, tránh cháy lan sang các công trình hoặc nhà dân xung quanh. Đốt ở cuối hướng gió. Đốt đầu hướng gió, nguy cơ cháy lan, cháy lớn rất cao. Khi đốt phải chuẩn bị bình chữa cháy, vòi nước bên cạnh để nếu không may xảy ra sự cố có thể xử lý kịp thời” - Thượng tá Kháng nói.
Thói quen thứ hai dễ gây cháy nổ là đốt vàng mã, đốt hương. Người Việt có thói quen đốt hương, vàng mã nhưng nhiều gia đình bất cẩn không che chắn, đốt chưa tắt hẳn đã bỏ đi. Thậm chí có người thấy gió cuốn vàng mã bay lên cuộn tròn cứ ngỡ… ông bà về. Đâu dè tàn lửa bay cháy rụi. “Đốt rác hay đốt vàng mã thì khi đốt xong phải dùng nước dập tắt hoàn toàn đám cháy, đảm bảo không còn tàn lửa, lửa không còn khả năng bùng phát trở lại” - Thượng tá Kháng nhấn mạnh.
Thói quen thứ ba là bất cẩn khi sử dụng điện. Nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, những thiết bị có công suất lớn, cắm nhiều dây, thiết bị trong cùng một ổ cắm, tình trạng câu mắc… dễ dẫn tới hiện tượng quá tải, gây chập cháy nghiêm trọng. “Cần thường xuyên và định kỳ kiểm tra để phát hiện và khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót của hệ thống điện. Ngắt các thiết bị không cần thiết trong thời gian nghỉ làm việc, đi ngủ. Chẳng hạn ra khỏi nhà thì tắt đèn, tắt quạt…” - ông chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhiều thói quen khác của người dân dễ dẫn tới cháy nổ trong những ngày nắng nóng như để đồ dùng dễ cháy nơi đun nấu, nấu ăn không trông coi… “Với trường hợp đốt rác lớn, người dân phải báo với chính quyền địa phương để có biện pháp kiểm soát. Xe máy về nhà cần để nơi an toàn, sắp xếp gọn gàng, cách xa nguồn điện. Nhiều thiết bị công suất lớn như bàn ủi, lò vi sóng, máy lạnh, máy giặt… khi sử dụng nên cân nhắc, hạn chế sử dụng đồng thời để tránh quá tải, chạm chập…” - Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Thủy, Phó Đội trưởng Đội Tuyên truyền Cảnh sát PCCC, chia sẻ thêm.
Đốt rác cháy rụi ba kiốt bán hàng ở quận Gò Vấp năm 2015. Ảnh: XUÂN NGỌC
Không phải cứ cháy là dùng nước dập lửa
Thượng tá Đỗ Văn Kháng nhấn mạnh ý thức của mỗi người dân rất quan trọng trong việc phòng, chống cháy nổ. Chính người dân phải có kiến thức để bảo vệ bản thân và gia đình. Không phải cứ thấy lửa là lấy nước dập.
“Thông thường, nước được sử dụng làm chất chữa cháy chủ đạo. Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ. Cháy do điện thì thao tác đầu tiên là phải cúp cầu dao điện tổng để đảm bảo an toàn, kế đó là dùng bình bột hoặc bình khí CO2 để chữa cháy. Hoặc cháy do xăng dầu thì tuyệt đối không dùng nước, bởi nước có tỷ trọng nặng hơn xăng dầu sẽ khiến xăng dầu tràn ra, tăng bề mặt cháy nên lửa lan nhanh hơn.
Thay vào đó nên dùng chăn ướt hoặc bình bột, bình khí ngăn cách O2 với chúng” - Thượng tá Kháng chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Thị Hồng Thủy lại nói về một trường hợp cháy khá phổ biến là đun nấu dầu trên chảo bị bén lửa từ bếp gas. “Trường hợp này, hiệu quả nhất là dùng bình chữa cháy. Không có bình thì việc đầu tiên là phải tắt bếp, khóa van bình gas, kế đó dùng chăn hoặc khăn tắm nhúng nước trùm lên ngọn lửa, đơn giản hơn là dùng vung nồi úp lại”.
Lực lượng tại chỗ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn cháy lan, cháy lớn. “Mỗi gia đình nên tự trang bị ít nhất một bình chữa cháy và phải biết sử dụng. Bà con có thể đọc ở hướng dẫn sử dụng trên sản phẩm (có cả chữ, hình ảnh) mà cách nhanh gọn nhất là hỏi người bán” - Thượng tá Kháng hướng dẫn.
Không có chuyện đếm xe chữa cháy thu tiền của dân Nhiều người dân lo lắng khi có tin đồn gọi cảnh sát PCCC tới chữa cháy sẽ phải tính đầu xe chữa cháy để trả tiền. Trả lời vấn đề này, Thượng tá Đỗ Văn Kháng khẳng định chi phí chữa cháy hiện nay do nguồn ngân sách nhà nước chi trả. Ông cho biết: “Không bao giờ có chuyện đếm xe chữa cháy thu tiền của dân. Vì thế, khi có cháy nổ, người dân phải điện báo ngay cho 114. Sau mỗi vụ cháy, cơ quan chức năng phải điều tra nguyên nhân, tùy theo lỗi, mức độ nặng nhẹ để ra quyết định xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”. |