Công an chỉ chiêu chống trộm, cướp giật cuối năm

Noel, tết sắp đến cũng là dịp trộm cắp, cướp giật bắt đầu… vào mùa. Chỉ cần vài phút lơ đễnh có thể mất xe, ví lúc nào không hay.

Nhất trộm xe, nhì chui nhà

Ở các khu dân cư thường có hai loại trộm là trộm đột nhập và trộm xe. Bọn trộm xe thường ra tay vào sáng sớm hoặc đầu giờ chiều (khoảng 11 giờ đến 13 giờ) khi người ta chuẩn bị đi làm hoặc trở về buổi trưa nhưng chưa dắt xe vào nhà vì chủ quan người qua lại đông, xung quanh toàn hàng xóm. Họ vào nghỉ trưa hoặc cơm nước chốc lát, có khi chỉ tạt về cất đồ nhưng quay trở ra thì xe đã mất. Với dạng này, đối tượng thường là người trong khu dân cư hoặc được người trong khu dân cư móc nối, canh me cả tuần để biết quy luật đi về của nạn nhân, đặc điểm xe… để chọn thời cơ. Kẻ trộm giờ tinh vi lắm, có chú tâm theo dõi thì chúng cũng không đi kè kè ngay phía sau để mình phát hiện qua gương chiếu hậu được đâu. Quan trọng là không được để xe bừa bãi, khi về tới nơi dù có công việc gì đi nữa cũng phải dắt xe vào nhà, đến nơi khác như các điểm kinh doanh buôn bán thì phải gửi xe, có người trông coi cẩn thận.

Riêng với trộm đột nhập, các đối tượng có thể đi một mình hoặc đi theo nhóm, lợi dụng sơ hở của chủ nhà như ban công mở, hở tầng tum, cả nhà đi du lịch… để lẻn cạy cửa chui vào. Vì vậy, người dân phải đóng cửa nẻo cẩn thận, khi đi vắng thì phải nhờ người trông nhà và cẩn thận việc “rêu rao” kế hoạch đi chơi ra ngoài.

Bắt quả tang một kẻ trộm xe máy tại TP.HCM. Ảnh: HTD

Ra đường coi chừng “cướp giật chạy bộ”

Dịp lễ, tết, người dân phải cẩn thận hơn khi đến các lễ hội, nơi tập trung đông người vui chơi, mua sắm, giải trí vì dễ gặp phải bọn móc túi hoặc cướp giật. Lưu ý, cướp giật ở đây là “cướp giật chạy bộ” - hình thức cao hơn của móc túi chứ không phải chạy xe ngoài đường giật đồ. Chúng đi theo nhóm, thường ít nhất ba người, thậm chí 5-10 người, có khi đối tượng phạm tội là phụ nữ, phụ nữ dẫn theo con nhỏ mang theo giỏ xách, khoác trên tay áo khoác để khi gặp con mồi thì dùng vật dụng đó ngụy trang. Lợi dụng sự chen chúc, chúng xô đẩy rồi len vào móc túi hoặc lợi dụng lúc người ta chụp ảnh thì đối tượng chính giật, giật xong chuyền liền cho đối tượng khác ngay nên khi người bị giật xong quay lại không biết ai là thủ phạm vì quá đông người. Trong các lễ hội bắn pháo hoa có khá nhiều người bị nạn như thế.

Một hình thức khá tinh vi nữa là trộm dàn cảnh đụng xe, nạn nhân thường là đàn ông bỏ tiền trong túi quần. Đối tượng đi 3-5 người, trên nhiều xe, có những xe đi một, xe trực tiếp móc túi thì đi hai người, nam chở nữ. Xe đi trước tìm con mồi, đến ngã ba, ngã tư thì chúng sẽ tạo ra tình huống va chạm xe để đồng bọn len vào móc túi. Lại có trường hợp người mất của phát hiện ra đuổi theo nhưng sẽ có đối tượng đóng vai trò giả vờ hỏi thăm, hỗ trợ truy đuổi nhưng thực chất là cản đường, giúp đồng bọn chạy thoát.

Gần tết, người dân hay đi thanh toán tiền  cũng dễ trở thành con mồi của những băng nhóm này. Vậy nên đàn ông hay phụ nữ cũng vậy, tuyệt đối không để tiền trong túi, dù đi hai người vẫn có thể bị dàn cảnh lấy được.

Thêm một trường hợp cần cảnh giác nữa là lúc lên cầu thang cuốn siêu thị hay trung tâm thương mại. Một khi phát hiện ra con mồi, nhóm tội phạm sẽ đi theo, kẻ trước, kẻ sau. Vừa tới cầu thang, chúng sẽ giả bộ bị rớt đồ, cúi xuống nhặt mà cầu thang cuốn người cứ dồn lên, bị ứ rồi xô đẩy, chúng lợi dụng thời cơ đó thò tay móc túi.

Kinh nghiệm của dân Giả vờ dắt xe giùm

Vụ trộm hụt xảy ra ở nhà trọ cũ của tôi vào năm ngoái. Hồi đó tôi và em trai thuê trọ trên đường Nguyễn Xí gần Bến xe Miền Đông (phường 26, quận Bình Thạnh). Đó là căn nhà ba tầng theo dạng căn hộ khép kín, không phải dãy nhà trọ. Trong nhà trọ có hơn 10 người cùng thuê. Vì nhà có hai lớp khóa nên chúng tôi khá yên tâm. Hôm đó tôi đi làm về muộn, về tới nhà thì thấy hai người đàn ông lạ mặt xuất hiện trước cửa, một người ngồi trên xe Air Blade, người còn lại đang dắt một chiếc xe máy ra ngoài. Thấy tôi, người đàn ông còn chào hỏi thân thiện: “Em đi làm về rồi hả? Em vào nhà đi, anh đóng cửa cho.” Vì nghĩ là người thân của bạn cùng trọ nên tôi không nghi ngờ gì. Tuy nhiên, sau khi dắt chiếc xe kia ra ngoài, anh ta quay lại dắt chiếc xe mới cóng trong cùng mà không hề biết rằng đó là xe của em trai tôi. Tôi la lên: “Cướp, cướp”. Hai tên đó quýnh quáng bỏ chạy, còn chỉ vào mặt tôi đe: “Mày nhớ mặt đấy”. Thú thực, nếu lúc đó hắn dắt xe của người khác tôi cũng không biết được, vì hắn ăn nói rất tự nhiên khiến tôi không nghĩ cướp táo tợn đến như vậy. Sau khi hai tên trộm bỏ đi, chúng tôi mới phát hiện cổng bị phá khóa.

Chị NGUYỄN THANH TUYỀN (Đường Kha Vạn Cân,
quận Thủ Đức, TP.HCM)

Giả vờ xin ở ghép, cuỗm ba laptop

Hồi tháng 8, tôi thuê trọ tại chung cư Nguyễn Kim (phường 7, quận 10, TP.HCM). Nhà rộng, ở được sáu, bảy người nhưng lúc đó mới chỉ có năm người nên em trai tôi đăng thông tin lên trang mạng tìm thêm người ở ghép, chia sẻ tiền phòng. Chiều 10-8, một thanh niên xưng là làm việc ở ngân hàng, quê ở Đà Nẵng đến xem phòng và tỏ vẻ khá ưng ý. Anh ta ở, trò chuyện làm quen với chúng tôi đến 23 giờ mới về. Đến 10 giờ 30 hôm sau, khi mọi người trong phòng đều đi làm, anh ta rủ em trai tôi ra ngoài mua đồ ăn về đãi mọi người coi như tiệc ra mắt thành viên mới. Lúc đang trên đường đi, thấy có chỗ cắt chìa khóa, người này mượn chìa khóa em trai tôi để cắt chìa mới. Tin bạn ở ghép, em trai tôi đồng ý. Sau đó hắn lại bảo em tôi đứng chờ để chạy về lấy đồ vì hắn bỏ quên trong phòng, rồi hắn quay về ôm luôn cả ba cái laptop chuồn đi. Đối chiếu chứng minh nhân dân phôtô do kẻ trộm để lại, hóa ra là ghép ảnh giả mạo.

Anh HUỲNH QUANG BÌNH (Quận 10, TP.HCM)

NGUYỄN TRÀ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm