Năm bị cáo công an đánh chết người ở Phú Yên vừa đưa ra xét xử gần đây. Ảnh: TẤN LỘC
Như Pháp Luật TP.HCM(ngày 26-7) đã thông tin, anh Hà Thế Nga và người em vợ cho biết cả hai bị xem là nghi can trộm cắp tài sản và đã bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) tạm giữ để điều tra vào ngày 18-7. Tại trụ sở công an huyện, một cán bộ điều tra đã đánh anh và rồi anh đã phải đi bệnh viện với một số chấn thương phần mềm... Người em vợ cũng bị trầy xước, thâm tím ở vùng chân và hai tay… Trong khi đó, lãnh đạo công an huyện khẳng định “không có chuyện ép cung, đánh đập hai nghi can”.
Tuy chưa thể xác định đúng, sai vì phải chờ kết quả xem xét của công an tỉnh nhưng vụ việc tiếp tục làm cho dư luận lo ngại về tình trạng “hễ đến công an làm việc (phần lớn là công an xã) là sau đó phải nhập viện để điều trị thương tích, thậm chí là tử vong” (!).
Đến giờ nghe đến Kim Nỗ (một xã thuộc huyện Đông Anh, TP Hà Nội), nhiều người vẫn chưa quên vụ bốn công an xã “hè nhau” dùng dùi cui đánh chết một nghi can. Hay nhắc tới xã Bom Bo (huyện Bù Đăng, Bình Phước), nhiều người không khỏi xót xa cho số phận đáng thương của một nạn nhân bị bắt và nhốt tại trụ sở công an xã, đến sáng hôm sau thì chết tức tưởi… Còn nhiều vụ tương tự với mức độ nặng, nhẹ khác nhau mà báo chí thời gian qua đã thông tin càng cho thấy đây là hiện tượng rất đáng lưu tâm.
Với những vụ chết người buộc phải điều tra theo quy trình tố tụng hình sự thì có vụ ra được kết quả “có đánh” nhưng cũng có nhiều vụ tắc tị vì theo công an thì đương sự tự vẫn (?). Với những vụ chấn thương tựa như vụ của anh Nga trên đây, cái gọi là sự thật lại còn mù mờ hơn. Rõ ràng ở đây thương tích là có thật và trùng hợp với nội dung tố giác nhưng tại sao có, ai gây ra thì công an cứ “không biết, không liên can”, còn người tố giác cũng không thể tự chứng minh. Vậy nên nếu tin lời người dân nói “có” thì có thể là cảm tính. Nhưng làm sao dễ dàng tin được những lời bảo “không” của công an khi không có “bên thứ ba” tham gia giám sát diễn tiến vụ việc và việc kiểm tra, xác minh những mâu thuẫn giữa người dân với công an cũng chính do công an thực hiện?
Từ thực tế nhức nhối này mà ngay sau khi được thăm dò ý kiến, hàng trăm bạn đọcPháp Luật TP.HCM đã nhiệt tình hiến kế để hạn chế sự lạm quyền của công an và nhất là để trắng đen rõ ràng. Trong đó, cách đơn giản, dễ thực hiện nhất là lắp camera để theo dõi các cuộc làm việc, thẩm vấn. Đây vừa là phương tiện để phục vụ công việc chuyên môn vừa là “bên thứ ba” để kiểm tra, giám sát, giúp công an kiểm soát được hành vi và cũng là điểm tựa để công an đường hoàng “nói năng” với công luận về mọi chuyện…
Nhà nước trao quyền lực cho công an là để bảo vệ an ninh trật tự xã hội, bảo vệ người dân chứ không thể gây mất an toàn cho sức khỏe, thậm chí tính mạng của công dân. Dứt khoát phải có sự chấn chỉnh, khắc phục để lực lượng này không còn bị nhiều điều tiếng không nên có như đã xảy ra thời gian qua.
THU TÂM