Công an điều tra vụ vẽ bậy lên tàu Cát Linh-Hà Đông

“Việc đột nhập vào công trường ban đêm để vẽ lên đoàn tàu Cát Linh-Hà Đông có dấu hiệu của tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản. Hiện cơ quan công an đang vào cuộc điều tra nên chúng tôi chưa thể cung cấp thêm thông tin” - ngày 27-12, một lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt - Bộ GTVT nói.

Cùng ngày, Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết đơn vị đã cử lực lượng phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (PC45, Công an TP Hà Nội) để điều tra làm rõ vụ việc trên. Hiện các lực lượng vẫn đang tích cực truy tìm thủ phạm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) khẳng định hành vi vẽ bậy lên đoàn tàu có dấu hiệu phạm tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản được quy định tại Điều 143 Bộ luật Hình sự 1999.

Để xử lý hành vi trên, luật sư Thơm cho biết phải căn cứ  vào kết quả giám định tài sản hư hỏng. Nếu thiệt hại từ hơn 2 triệu đồng, người vẽ bậy có thể bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản như đã nói. Mức phạt thấp nhất của tội này là cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Tàu Cát Linh-Hà Đông bị vẽ bậy. Ảnh: LT

Trường hợp kết quả giám định tài sản hư hỏng cho thấy hành vi phạm tội gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ 200 triệu đến dưới 500 triệu đồng, người vi phạm sẽ bị phạt tù từ bảy năm đến 15 năm. Còn trường hợp tài sản hư hỏng có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên, người vi phạm bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân. Người xâm nhập nhà ga, vẽ bậy lên tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông sẽ phải bồi thường toàn bộ chi phí để khôi phục lại nguyên trạng cho tàu.

Bên cạnh đó, luật sư Thơm cũng khẳng định cần xem xét trách nhiệm đối với Ban quản lý dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông vì để các đối tượng xâm nhập vào ga vẽ bậy mà không giám sát, trông coi chặt chẽ.

Như Pháp Luật TP.HCM đã phản ánh, sáng 26-12, Ban quản lý dự án đường sắt nhận được thông tin từ tổng thầu EPC (Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc) về việc có người đột nhập vào công trường nhà ga Cát Linh dùng sơn vẽ lên đoàn tàu. Ban quản lý dự án đã cử cán bộ ra kiểm tra thực tế hiện trường, đồng thời chỉ đạo tổng thầu EPC báo cáo cụ thể sự việc nêu trên tới cơ quan chức năng.

Cùng ngày, Ban quản lý dự án đường sắt đã có văn bản hỏa tốc yêu cầu tổng thầu lập tức tăng cường công tác bảo vệ trên toàn công trường. Ban quản lý cũng có văn bản hỏa tốc đề nghị Công an TP Hà Nội và công an các quận nơi có dự án hỗ trợ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, ngăn ngừa hiện tượng phá hoại tài sản công trình làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có 13 đoàn tàu, đến nay đã có chín đoàn tàu được vận chuyển về công trường. Tổng chi phí cho gói thầu mua sắm 13 đoàn tàu là 63,24 triệu USD.

Tàu do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo, mỗi đoàn tàu có bốn toa xe với tổng chiều dài 79 m, trong đó toa đầu dài 20 m, toa giữa dài 19,5 m. Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu là 80 km/giờ, tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35 km/giờ, với sức chở khoảng 960 người, tối đa 1.326 người. Dự kiến khi đi vào khai thác, ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 5-6 phút/chuyến, sau nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách mỗi hướng đi.

Tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông đã bị lùi tiến độ ba lần nhưng đến nay vẫn bị chậm do thiếu vốn. Bộ GTVT vừa có chỉ đạo yêu cầu bằng mọi giá hoàn thành dự án trong năm 2018.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm