Sáng 2-7, Thường trực HĐND TP.HCM phối hợp với Sở TT&TT, Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức chương trình “Dân hỏi - chính quyền trả lời” tháng 7-2023 với chủ đề “Giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP.HCM”.
Giải pháp nào ngăn chặn lộ, lọt thông tin cá nhân
Tại chương trình, cử tri có ý kiến về việc phải tăng cường bảo đảm an toàn cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất khi tan ca đêm.
Về nội dung này, Giám đốc Công an TP.HCM - Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho biết lực lượng đã triển khai Tổ công tác 363 ở ba cấp, hoạt động tuần tra 24/24 giờ để bảo đảm an ninh trong đêm khuya cho người tham gia giao thông hoặc người có nhu cầu đi lại lúc 0 giờ.
Quang cảnh buổi “Dân hỏi - chính quyền trả lời” sáng 2-7. Ảnh: Đảng bộ TP.HCM |
Cử tri Hoàng Ngọc Hải (quận 1) thắc mắc về tình trạng lừa đảo trên mạng xã hội, mạo danh công an, nhân viên bưu điện, điện lực, ngân hàng để lừa người dân. Từ đó, cử tri hỏi công an về giải pháp ngăn chặn thông tin cá nhân lộ, lọt ra ngoài; ngăn chặn cả những thông tin sai lệch trên mạng xã hội.
Trả lời cử tri, ông Võ Minh Thành, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết các doanh nghiệp viễn thông hiện nay đều phải bảo đảm đủ cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để bảo đảm an toàn thông tin. Đồng thời, các nhà mạng phải xây dựng các quy trình nội bộ về giám sát nhân viên của mình. Hằng năm, Sở TT&TT đều có các cuộc thanh tra, kiểm tra nhà mạng về việc bảo đảm an toàn thông tin.
Ông Thành khuyến nghị người dân không nên cung cấp những thông tin của mình cũng như bạn bè, người thân cho người khác trên mạng xã hội, cho các trang web về mua bán, quảng cáo rao vặt.
Thượng tá Lê Minh Hải, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05), cũng nêu thêm những hình thức lừa đảo để người dân phòng tránh. Theo đó, các đối tượng thường mạo danh công an, VKS, tòa án gọi điện thoại về việc vi phạm pháp luật, giả mạo các tin nhắn của ngân hàng, nhân viên bệnh viện; tạo tài khoản ví điện tử trùng tên với người quen của nạn nhân, lôi kéo đầu tư tài chính trực tuyến; chiếm đoạt quyền sử dụng mạng xã hội của người khác; bẫy tình để lừa đảo.
Công an TP.HCM khuyến cáo người dân khi có người yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mã OTP cần hết sức cảnh giác. Quan trọng nhất là phải bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin yêu cầu làm việc qua điện thoại, nhất là các đầu số lạ; cảnh giác với lời mời việc nhẹ lương cao…
Về các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, Trung tá Trịnh Khánh Hùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM, cho hay Công an TP.HCM đã thực hiện quyết liệt các phương án. Lực lượng cảnh sát hình sự chủ động nhận diện, rà soát các băng nhóm trộm cắp, cướp giật có tổ chức... để có giải pháp ngăn chặn.
Trung tá Trịnh Khánh Hùng cho biết Công an TP.HCM sẽ đưa vào diện quản lý những thanh niên lêu lổng, thường xuyên thuê nhà nghỉ tụ tập, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đơn vị sẽ ứng dụng công nghệ vào quản lý, bố trí lực lượng tuần tra đêm, bảo đảm an ninh cho người lao động đi lại trong đêm hay có mặt 24/24 giờ ở các điểm nóng.
Công an TP.HCM chủ động thực hiện nhiều biện pháp để nắm tình hình trên không gian mạng, phát hiện, tiếp cận sớm các hình thức, đối tượng lừa đảo để ngăn chặn kịp thời.
Tăng cường nắm tình hình tội phạm trên không gian mạng
Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho biết thời gian tới, Công an TP sẽ triển khai bốn nhóm giải pháp để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn nhằm kéo giảm tối đa tội phạm. Theo đó, trước hết toàn lực lượng sẽ nâng cao công tác nắm tình hình thực tế trên địa bàn lẫn không gian mạng.
Cùng với đó, lực lượng công an tập trung đấu tranh mạnh đối với tội phạm về ma túy, cướp giật và các hành vi vi phạm khác xảy ra trên đường phố. Tiếp tục huy động lực lượng để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng đua xe, gây rối trật tự công cộng.
Giám đốc Công an TP.HCM nhấn mạnh: Lực lượng CSGT nói riêng và Công an TP nói chung sẽ tấn công mạnh vào các lò độ xe, chế xe. Các đối tượng sử dụng xe từ các lò độ xe, chế xe để đua xe hoặc thực hiện các hành vi cướp giật trên đường phố. Công an TP.HCM sẽ tập trung lực lượng, chủ động xử lý tận gốc vấn đề này. Cạnh đó, nâng cao công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo và điều hành nhằm bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm…
Thiếu tướng Lê Hồng Nam cho hay đây chỉ là những giải pháp tổng thể.
“Trên thực tế, Công an TP thực hiện quyết liệt và đồng bộ nhiều giải pháp để ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm với quyết tâm kéo giảm tội phạm, bảo đảm bình yên cho cuộc sống của người dân” - ông nói.•
Phá hơn 1.500 vụ án
Từ ngày 1-10-2022 đến 30-4-2023, địa bàn TP.HCM xảy ra 2.156 vụ phạm tội về trật tự xã hội; đã điều tra, khám phá 1.534 vụ, đạt tỉ lệ hơn 71%; qua đó bắt giữ 2.527 đối tượng. So với cùng kỳ giảm 60 vụ, tương ứng kéo giảm hơn 2,7%.
Công an TP.HCM cũng đã khám phá 1.084 vụ ma túy, bắt hàng ngàn đối tượng về các hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ 631 kg ma túy các loại.