Ngày 20-6, Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM, phát đi cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng xuất hiện thời gian gần đây. Theo đó, nhiều vụ lừa đảo được thực hiện trên không gian mạng thời gian qua đã khiến nhiều nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng.
Nhiều trường hợp bị các đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn không hề mới, tuy nhiên, do người dân thiếu cảnh giác, hiểu biết nên bị mất sạch tiền bạc, rơi vào cảnh nợ nần.
Liên tục xảy ra các vụ lừa đảo tinh vi qua mạng
Cuối tháng 5 vừa qua, chị PTTV (45 tuổi, ngụ xã Phong Phú, huyện Bình Chánh; chủ một quán ăn) hốt hoảng đến công an trình báo vụ việc bị lừa đảo qua không gian mạng.
Cụ thể, ngày 27-5, một tài khoản Zalo có tên “Hồng Quân” nhắn tin cho chị V nói đặt năm bàn tiệc cho giáo viên của một trường THCS trên địa bàn.
Trước đó, hồi tháng 9-2022, Công an quận Tân Phú triệt phá đường dây lừa đảo bằng hình thức cho vay. Ảnh: NT |
Ngày hôm sau, người này tiếp tục nhờ chị V mua giúp rượu tặng cho khách. Người này cung cấp số điện thoại và tài khoản ngân hàng nói là của chủ cửa hàng rượu để chị V chuyển tiền.
Tin tưởng “vị khách”, nữ chủ quán đã chuyển 332 triệu đồng vào số tài khoản rồi báo cho người tên Hồng Quân biết. Chị V cũng nhận được các hình ảnh với nội dung đã thanh toán thành công vào số tài khoản của chị V từ người tên Hồng Quân. Tuy nhiên, chờ mãi mà tiền không thấy tới, chị V nghi ngờ liền báo công an và biết mình đã bị lừa.
Hay hồi đầu tháng 4, Công an huyện Bình Chánh cũng nhận được tin trình báo của một số nạn nhân về việc bị lừa với những thủ đoạn tinh vi khác nhau.
Cụ thể, ngày 1-4, chị TTNT (38 tuổi, ngụ xã Tân Nhựt) lên mạng Facebook tìm các trang hướng dẫn tìm việc thì được một người mời gia nhập nhóm Telegram để làm việc mua bán trên sàn giao dịch.
Chị T sau đó được yêu cầu nạp tiền vào một tài khoản ngân hàng để đầu tư. Người phụ nữ nhẹ dạ đã nạp tổng cộng số tiền 157 triệu đồng thì bị chặn liên lạc.
Công an thu giữ nhiều tang vật là điện thoại mà nhóm này sử dụng để lừa đảo. Ảnh: NT |
Tiếp đó, ngày 3-4, bà NTTH (54 tuổi, ngụ xã Tân Quý Tây) nhận được điện thoại của một người xưng tên là Nguyễn Văn Hoàng, cán bộ điều tra. Người này nói bà H nhận tiền của đối tượng buôn ma túy, yêu cầu phải mở tài khoản tại ngân hàng, chuyển vào 700 triệu đồng và cung cấp mật khẩu để công an điều tra. Bà H liền làm theo và tá hỏa khi bị mất sạch tiền.
Thủ đoạn cũ cũng bị lừa
Cũng bị lừa với một thủ đoạn không hề mới nhưng chị NHKN (38 tuổi, ngụ xã Bình Hưng) đã mất hơn nửa tỉ đồng.
Cụ thể, hôm 6-4, chị N nhắn tin qua Facebook với bạn tên là Anh Võ và người này có mượn tiền. Chị N đã chuyển hơn 514 triệu nhưng khi điện thoại cho người quen nói chuyện thì mới tá hỏa biết tài khoản Anh Võ đã bị hack.
Tương tự, ngày 21 và 22-3, anh HTT (19 tuổi, ngụ xã Phong Phú) được một người giả làm nhân viên môi giới gọi điện báo cho vay một tỉ đồng nếu chứng minh được khả năng trả nợ. Để chứng minh, anh T đã chuyển khoản tổng cộng 245 triệu vào tài khoản được chỉ định và bị cắt liên lạc.
Tháng 12-2022, Công an TP.HCM cũng phối hợp với Bộ công an ập vào khám xét ba địa điểm liên quan đến hoạt động lừa đảo qua mạng trên địa bàn quận Tân Bình. Ảnh: CA |
Riêng anh NVH (40 tuổi, ngụ xã Vĩnh Lộc A) thì bị lừa do tham gia đầu tư chơi chứng khoán. Cụ thể, giữa tháng 2-2023, khi đang lướt Facebook thì anh H được một tài khoản tên “kiếm tiền tại nhà” nhắn tin, hướng dẫn tải app SI Trading để mở tài khoản chơi chứng khoán.
Anh H làm theo, nạp 300.000 đồng và đã thắng 1 triệu đồng. Thấy hấp dẫn, anh H nạp thêm 30 triệu đồng và chơi thắng được hơn 554 triệu đồng.
Lúc này đối tượng yêu cầu anh H phải nạp hơn 34 triệu để làm thủ tục rút nhưng cũng không được. Người hướng dẫn thông báo anh H chuyển tiền bị lỗi và cần phải thử lại. Sau đó, nạn nhân chuyển tổng cộng thêm bảy lần, bị lừa hết gần 300 triệu.
Các máy tính có sẵn các kịch bản lừa đảo được các đối tượng sử dụng nhằm đưa nạn nhân vô "bẫy". Ảnh: CA |
Theo công an, đây là các thủ đoạn không hề mới, đã được cơ quan chức năng nhiều lần cảnh báo trên các trang mạng cũng như thông tin đại chúng. Tuy nhiên, do người dân thiếu hiểu biết, nhẹ dạ nên vẫn tiếp tục bị lừa đảo.
Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng, Công an huyện Bình Chánh đề nghị người dân thực hiện một số biện pháp như cảnh giác với lời mời kết bạn từ những người không quen biết, cảnh giác với số điện thoại lạ, những người xưng là cơ quan nhà nước.
Phải có biện pháp bảo vệ các tài khoản ngân hàng, tài khoản cá nhân… Không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân, tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của bản thân trên mạng xã hội…
Thận trọng rà soát và kiểm tra kỹ thông tin trước khi thực hiện các giao dịch chuyển tiền; không truy cập, đăng nhập vào các đường dẫn, liên kết, website hoặc mở tệp đính kèm trong thư điện tử đến từ người gửi không xác định.
Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn của người lạ; không cung cấp thông tin cá nhân, địa chỉ, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng của mình.
Không thực hiện yêu cầu chuyển tiền thông qua tin nhắn của các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Viber… kể cả là của người thân, bạn bè. Cần gọi điện thoại xác nhận nếu người đó là người thân, bạn bè nhằm tránh trường hợp người thân, bạn bè bị hack tài khoản.
Không được mua bán, cho mượn giấy CMND, tài khoản cá nhân, các loại thẻ tín dụng do ngân hàng cấp, phát hoặc chuyển, nộp tiền vào bất kỳ tài khoản cá nhân, tổ chức nào khi chưa biết rõ họ là ai.