Thông tin tại họp báo chiều 26-10, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM cho biết, hiện nay người dân có địa chỉ tạm trú tại TP.HCM được đăng ký lần đầu (đăng ký mới) theo quy định tại Thông tư số 24 của Bộ Công an quy định về cấp, thu hồi đăng ký, biển số xe cơ giới.
Mức phí cấp biển mới tại TP.HCM đối với ô tô, xe máy trong trường hợp này được quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 60 của Bộ Tài chính về mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Về thắc mắc biển số được cấp là biển số của TP.HCM hay nơi thường trú của người dân, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin, trường hợp người dân đã có biển số định danh, đã thu hồi sau ngày 15-8, chưa gắn cho xe khác thì sẽ được cấp lại biển đó. Còn với người dân không có biển số định danh thì được cấp biển số của TP.HCM.
Đối với xe cũ đang lưu hành, mang biển số nơi thường trú của người dân, nhưng người dân muốn chuyển biển số thành biển số TP.HCM, là nơi đang tạm trú của mình (chuyển vùng về TP.HCM) thì chủ xe cần đến cơ quan đăng ký xe nơi thường trú của mình để làm thủ tục thu hồi đăng ký, biển số xe theo quy định, di chuyển hồ sơ về TP.
Trường hợp chủ xe có biển số định danh (biển 5 số) chưa gắn cho xe khác thì sử dụng biển số đó để cấp lại. Nếu không có biển số định danh thì sẽ được cấp biển số của TP.HCM.
Về áp dụng xử phạt nguội qua biển số định danh, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho hay, thông tư số 24 của Bộ Công an có hiệu lực từ ngày 15-8 có quy định biển số ôtô, xe máy sẽ được cấp và quản lý theo mã định danh của chủ xe (còn gọi là biển số định danh).
Hiện nay, đối với các trường hợp vi phạm phạt nguội, đơn vị phát hiện vi phạm sẽ trích xuất gửi thông báo cho chủ phương tiện theo địa chỉ đã được cập nhật theo cơ sở dữ liệu quản lý phương tiện xe cơ giới do Cục C08 quản lý.
Mỗi người dân có số định danh cá nhân để gắn với biển số xe của mình sẽ đảm bảo cho việc thông báo vi phạm sẽ được gửi đến đúng địa chỉ chủ phương tiện đang cư trú.
Thu hơn 35 tỷ đồng thông qua phạt nguội trong 10 tháng
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ tại địa bàn còn diễn biến phức tạp. Phòng CSGT đã tham mưu Công an TP.HCM nhiều kế hoạch, giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới.
Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao, đó là công tác xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh, hay còn gọi là phạt nguội.
Giải pháp này đã giúp giảm tải cho lực lượng CSGT trong việc tuần tra, kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo được tình hình trật tự an toàn giao thông trên tuyến; hệ thống camera giám sát còn giúp phát hiện nhiều vụ việc khác về an ninh trật tự, tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông để kịp thời bố trí cán bộ chiến sĩ giải quyết vụ việc, giải tỏa ùn tắc giúp cho người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn.
Đây cũng là phương án phù hợp trong quá trình thực hiện đề án Đô thị thông minh của TP, từng bước nâng cao việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lực lượng CSGT.
Về kết quả xử lý, trong 10 tháng qua, Công an TP.HCM đã trích xuất, hoàn thiện hồ sơ hơn 110.000 trường hợp vi phạm phạt nguội. Trong số này, có hơn 20.000 trường hợp đã thực hiện quyết định xử phạt, thu vào Kho bạc Nhà nước hơn 35 tỷ đồng.