79 năm ngày truyền thống lực lượng công an nhân dân (19-8-1945 _ 19-8-2024)

Công an TP.HCM hết lòng vì dân, 'không để ai bị bỏ lại phía sau'

(PLO)- Lực lượng Công an TP.HCM đã không quản ngại ngày đêm tập trung cao nhất cho nhiệm vụ cấp thẻ căn cước cho công dân theo Luật Căn cước mới, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, Công an TP.HCM đã đưa Đề án 06 của Chính phủ gần hơn, thiết thực hơn với đời sống của nhân dân trong việc triển khai thực hiện Luật Căn cước.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, về những nỗ lực này.

Hinh_2-P23.jpg
Những người yếu thế, nhân khẩu đặc biệt vui mừng khi được cán bộ công an hỗ trợ làm thẻ căn cước. Ảnh: HUỲNH THƠ

Tạo hệ sinh thái kết nối, xây dựng công dân số

. Phóng viên: Có thể thấy khi xây dựng Luật Căn cước, ngành công an đã đáp ứng cao nhất những tiện ích cho người dân mà Đề án 06 hướng tới. Ông có thể chia sẻ sâu hơn về những tiện ích mà Luật Căn cước mang lại?

Hinh_1-P23.jpg

+ Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải: Đối với Đề án 06, chúng ta thấy rõ có năm nhóm tiện ích cơ bản. Thứ nhất, tiện ích trong phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Theo đó, các dữ liệu và các thông tin thu thập, cập nhật, chia sẻ đã có những quy định cụ thể trong Luật Căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thủ tục hành chính cũng như những quy định liên quan đến định danh điện tử, căn cước điện tử.

Đây cũng là những quy định giúp người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử.

Thứ hai, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Luật Căn cước quy định rất chặt chẽ những vấn đề liên quan đến việc chia sẻ kết nối, chia sẻ dữ liệu, làm sạch, làm giàu dữ liệu. Từ những cơ sở dữ liệu đó, chúng ta có những định hướng phát triển về những chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong công tác quản lý xã hội cũng như đảm bảo an ninh trật tự.

Thứ ba, liên quan đến phục vụ công dân số, Luật Căn cước đã có quy định rõ về định danh điện tử, căn cước điện tử, tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, quy định về tích hợp giấy tờ, như giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn và các giấy tờ khác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó là việc chia sẻ, kết nối dữ liệu trong cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu căn cước, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Bên cạnh đó, quy định về định danh, định danh điện tử, quy định về căn cước điện tử cũng phục vụ việc xây dựng công dân số.

Thứ tư, hoàn thiện hệ sinh thái, kết nối, chia sẻ, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Căn cước đã có những quy định cụ thể về vấn đề thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, kết nối dữ liệu, cơ sở dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước và các dữ liệu chuyên ngành. Từ đó, tạo ra một quy định pháp lý rất thuận lợi cho việc xây dựng hệ sinh thái kết nối để các cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành, UBND các tỉnh trong quá trình chia sẻ dữ liệu để thực hiện khai thác, quản lý xã hội, phục vụ người dân và doanh nghiệp một cách thuận lợi nhất.

Thứ năm, phục vụ lãnh đạo điều hành các cấp. Trên cơ sở quy định của Luật Căn cước, chúng ta có những biện pháp quản lý con người, xã hội, quản lý trật tự và đáp ứng những yêu cầu trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn.

Mang tính nhân văn rất cao

. Nhiều chuyên gia, người dân đánh giá Luật Căn cước được xây dựng mang tính nhân văn rất cao, thượng tá có đánh giá như thế nào về những lợi ích mà Luật Căn cước đã mang lại cho người dân?

+ Luật Căn cước năm 2023 có những điểm mới so với Luật CCCD năm 2014, theo đánh giá của các chuyên gia và cá nhân tôi, những điểm mới đó đã mang lại lợi ích và tính nhân văn cao.

Cụ thể, trong điều kiện về hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh trên đất nước Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng còn nhiều người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. Những quy định trước đây chưa tạo điều kiện giúp cho những người này cấp các giấy tờ cần thiết để họ giao dịch dân sự, hoạt động hành chính. Và quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch của Luật Căn cước là một quy định rất nhân văn, tạo điều kiện thuận lợi giúp những người này có giấy tờ hợp pháp, thực hiện các thủ tục giao dịch dân sự, tìm kiếm việc làm, sinh sống…

Công an TP đang thực hiện Kế hoạch 1878 và đã cấp được rất nhiều giấy tờ tùy thân cho những nhân khẩu đặc biệt. Những nhân khẩu đặc biệt này, trước đây khi chưa thực hiện Kế hoạch 1878, có nhiều trường hợp, kể cả trong các trung tâm tâm thần, trung tâm hỗ trợ xã hội trên địa bàn TP.HCM chưa có giấy tờ. Điều này cho thấy sự vào cuộc của lực lượng công an cùng với các lực lượng phối hợp đã giúp họ có được giấy tờ tùy thân.

Đồng thời, với những trẻ mới sinh, trẻ dưới 14 tuổi, trước đây theo Luật CCCD sẽ không được cấp CCCD, tuy nhiên theo Luật Căn cước thì những đối tượng này sẽ được cấp thẻ căn cước nếu có nhu cầu.

Điều này cũng tạo thuận lợi đầy đủ thông tin trong việc di chuyển, hỗ trợ trẻ cũng như cha mẹ, người đại diện hợp pháp giải quyết nhu cầu những vấn đề liên quan.

Làm cả ngày đêm để kịp cấp thẻ căn cước cho dân

. Ông có thể chia sẻ thêm về việc tuyên truyền, nhất là những nỗ lực của các chiến sĩ công an trong công tác giải quyết cấp thẻ căn cước cho người dân theo Luật Căn cước?

+ Trước khi Luật Căn cước có hiệu lực, lực lượng công an với vai trò nòng cốt tham mưu cho lãnh đạo chính quyền TP đã chuẩn bị nhiều nội dung để triển khai Luật Căn cước một cách có hiệu quả.

Phải nói đó là khoảng thời gian mà lực lượng cảnh sát quản lý hành chính, lực lượng công an phường, xã, thị trấn, các lực lượng phối hợp đã có sự chuẩn bị rất tốt.

Từ ngày 1-7-2024, đồng loạt trên địa bàn TP.HCM, lực lượng công an 21 quận, huyện, TP Thủ Đức và Phòng PC06 Công an TP.HCM đã tổ chức triển khai cấp thẻ căn cước rộng rãi cho người dân.

Những chiến sĩ công an đã không quản ngại ngày đêm, tập trung thực hiện những nhiệm vụ chính trị này. Đến thời điểm hiện tại, việc triển khai Luật Căn cước có hiệu quả rất tốt và nhận được sự đồng tình rất cao của cấp ủy, chính quyền cũng như người dân trên địa bàn TP.

Sự nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ tham mưu cho cấp ủy, chính quyền để triển khai thực hiện làm sạch dữ liệu, thu nhận cấp thẻ căn cước trên địa bàn TP trong thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả đáng ghi nhận.

Trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục thực hiện vai trò nòng cốt để tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thực hiện cấp thẻ căn cước trên địa bàn TP, làm sao để Luật Căn cước tiếp tục phát huy được vai trò, giá trị của nó để góp phần xây dựng đất nước phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tốt hơn.

. Xin cảm ơn ông.•

Hàng ngàn người có hoàn cảnh đặc biệt được cấp giấy tờ tùy thân

Các cán bộ, chiến sĩ Công an TP.HCM đã luôn nỗ lực trong việc thực hiện “Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế”. Đến nay, Công an TP đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tiếp xúc, làm việc với hơn 3.000 trường hợp thuộc diện này; đã giải quyết cấp giấy khai sinh, số định danh cá nhân và giải quyết cư trú cho hơn 2.000 trường hợp; tìm ra được thông tin ban đầu và nhân thân của gần 250 trường hợp.

Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2024) trên địa bàn TP theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an TP đã tổ chức thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho hơn 1.000 trường hợp.

Ngoài ra, Tổ công tác Công an TP đã phối hợp với công an các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng tổ chức cấp CCCD gắn chip cho hơn 1.500 trường hợp và thu thập thông tin dân cư cho 300 trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt để bàn giao cho công an các đơn vị địa phương phối hợp xử lý.

Thượng tá HỒ THỊ LÃNH, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM

Sổ tay:

“Tôi hạnh phúc và biết ơn, không còn nghĩ mình bị bỏ rơi nữa”

Một buổi sáng tháng 8-2024, theo chân các cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an TP.HCM và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), chúng tôi có mặt tại Trung tâm Bảo trợ người tàn tật Hiệp Bình Chánh (gọi tắt là trung tâm) để cùng trải nghiệm việc cấp thẻ căn cước cho 117 trường hợp nhân khẩu đặc biệt tại đây.

Mỗi trường hợp tại trung tâm là mỗi câu chuyện hết sức éo le, bi đát, vì họ đều là những người yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt như bị khuyết một phần đời và thật sự họ cần được giúp đỡ vì hàng chục năm qua không có giấy tờ tùy thân nào.

Trong lúc xếp hàng chờ đến lượt vào làm thẻ căn cước, ông Trương Hoàng Minh (58 tuổi) vừa hồi hộp vừa vui mừng bởi đây là lần đầu tiên ông được pháp luật thừa nhận với một cái tên, một số định danh cá nhân như ông đã từng ao ước bấy lâu nay.

Kể với chúng tôi, ông Minh bồi hồi nhớ lại: Năm 1981, ông từ quê lên TP.HCM, vì không có giấy tờ tùy thân nên ông chỉ xin được công việc làm bốc vác, không ai dám thuê mướn việc khác.

Cuộc sống nay đây mai đó của ông Minh cứ thế trôi qua suốt hàng chục năm đến khi tuổi xế chiều. “Hồi đó cha mẹ có nói cho tôi biết tên, năm sinh, ngoài ra tôi không có bất kỳ giấy tờ gì hết. Rồi khi cha mẹ mất, tôi phải bôn ba xứ người khi chỉ mới 15 tuổi. Không có người thân, không nơi nương tựa, tôi như một người “vô danh” giữa TP.HCM rộng lớn. Đằng đẵng suốt mấy chục năm trời, cho đến khi về đây sống tôi chẳng dám đi đâu, cũng chẳng thể ra ngoài làm việc bởi tôi không có giấy tờ thì khó mà tìm việc. Cho đến tối qua, tôi cứ nằm trằn trọc, nghĩ tới lúc mình được cấp thẻ căn cước nên vui quá, không ngủ được” - ông Minh xúc động.

Chúng tôi tiếp tục trò chuyện với ông Huỳnh Công Viễn (52 tuổi), ông Viễn chia sẻ từ khi được sinh ra, ông đã là một cô nhi. “Ròng rã 52 năm, tôi không hề có một tờ giấy lận lưng. May mắn sau này, một đại lý vé số thấy tôi như vậy cũng đồng ý cho tôi nhận vé số về bán. Hai tháng trước, được chính quyền hỗ trợ cấp giấy khai sinh, tôi chạnh lòng vì trên giấy khai sinh, phần tên cha và mẹ lại để trống. Nay tiếp tục được làm thẻ căn cước, tôi phần nào được an ủi bởi xã hội vẫn còn quan tâm đến người khuyết tật như tôi” - ông Viễn nghẹn ngào nói.

Khác với hai hoàn cảnh trên, bà ĐTTT (46 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cho biết hơn 10 năm trước, bà lấy chồng là người nước ngoài nên bà đã tự nguyện xin thôi quốc tịch Việt Nam. Sau đó, cuộc sống gặp nhiều vấn đề, bà quay về Việt Nam sinh sống nhưng không còn giấy tờ gì. Bà mong muốn xin được nhập lại quốc tịch nhưng không được.

Suốt 10 năm qua, do không còn giấy tờ tùy thân nên tôi gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, từ tìm việc làm đến khám chữa bệnh, đi khám phải dùng dịch vụ rất tốn kém. Tôi cũng không thể về quê bằng máy bay. Do đó, khi hay tin theo luật mới, tôi sẽ được cấp giấy chứng nhận căn cước, tôi vui đến không thể nói thành lời. Đến lúc được trực tiếp đến công an quận để làm thủ tục, tôi thật sự vỡ òa vì hạnh phúc và rất biết ơn. Tôi cảm giác rằng mình không còn bị bỏ rơi nữa” - bà T xúc động nói.

HUỲNH THƠ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm