Tối 21-7, tại buổi họp báo định kỳ cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM Từ Lương cho biết, TP.HCM tập trung xử lý những đối tượng cố tình tung tin gây rối, xuyên tạc, kích động, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân và công tác phòng chống dịch COVID-19 của TP.HCM.
Phó Giám đốc Sở TT&TT Từ Lương thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: LÊ THOA
Xem xét khởi tố vụ án, khởi tố bị can
Theo đó, trong những ngày gần đây có một số đối tượng chủ động, cố tình tung tin sai sự thật, kích động, gây chia rẽ chính quyền và nhân dân, xuyên tạc vô căn cứ làm ảnh hưởng uy tín của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là công tác phòng chống dịch của TP.HCM.
Trong đó từ chiều 19-7, trên mạng xã hội facebook đã lan truyền hình ảnh một người đàn ông trung niên tự thiêu trên địa bàn phường Trường Thọ, TP Thủ Đức, và kèm theo bình luận bức xúc vì cách chống dịch của TP. Qua xác minh, chính quyền phường Trường Thọ đã xác định thông tin này là sai sự thật.
Qua nắm tình hình, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TP.HCM đã phối hợp với Công an TP Thủ Đức, công an quận Bình Thạnh đã xác minh và làm việc với một người tên là PHĐA, ngụ tại phường 19, quận Bình Thạnh.
Người này đã có hành vi đăng tin xuyên tạc sai sự thật liên quan đến dịch COVID-19 trên tài khoản cá nhân, gây hoang mang cho người dân TP, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.
Bước đầu, người này đã thừa nhận toàn bộ hành vi của mình, đã sử dụng hình ảnh cắt ghép, lồng ghép đưa nội dung xuyên tạc về vụ tự thiêu và phát tán lên không gian mạng.
Trong quá trình làm việc, cơ quan công an cũng phát hiện trên tài khoản facebook của người này thường xuyên đăng nhiều bài viết có nội dung xuyên tạc, bôi nhoạ Đảng, Nhà nước và đã tham hội nhóm trên mạng để tung tin.
Theo ông Từ Lương, hôm nay, Công an TP đã phối hợp với Sở TT&TT giám định làm rõ tài liệu, nội dung mà công an thu giữ được, để tiến hành xem xét khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với PHĐA theo đúng quy định pháp luật.
Ngoài người này, các cơ quan chức năng TP qua nhận định, xác minh nhiều tài khoản mạng xã hội khác tại TP.HCM có hành vi cố tình đăng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, kích động, vu khống vô căn cứ đối với tổ chức, cá nhân. Từ đó gây ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch của TP trong thời gian qua.
Ông Từ Lương đề nghị người dân cảnh giác, không chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng về các vấn để liên quan đến dịch COVID-19, gây hoang mang dư luận, bức xúc trong xã hội. Đồng thời đề nghị các cơ quan, sở, ngành phối hợp Công an TP, Sở TT&TT, Ban Tuyên giáo Thành uỷ để tiếp phát hiện xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức vi phạm về vấn đề này.
Xử lý hơn 5.800 trường hợp vi phạm Chỉ thị 16
Về việc xử lý vi phạm Chỉ thị 16, ông Từ Lương cho biết UBND 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã thành lập 1.886 đoàn kiểm tra, xử lý 5.882 trường hợp vi phạm, với 14,5 tỉ đồng, sau 12 ngày triển khai Chỉ thị 16.
Tại buổi họp, Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng tham mưu (PV01), Công an TP.HCM, cũng thông tin hiện nay Công an TP tổ chức 12 chốt kiểm soát cấp TP tại cửa ngõ và duy trì 315 chốt cấp quận, huyện và TP Thủ Đức. Đồng thời bố trí trên 600 tổ tuần tra kiểm soát cơ động để thực hiện công tác phòng chống dịch.
Thượng tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó trưởng Phòng tham mưu (PV01), thông tin tại cuộc họp. Ảnh: LÊ THOA
Cụ thể, từ ngày 9-7 đến 12 giờ ngày 21-7, các chốt kiểm soát trên địa bàn TP đã kiểm soát trên 1,3 triệu lượt phương tiện; trên 1,5 triệu lượt người, xử phạt 4.500 trường hợp vi phạm Chỉ thị 16, với gần 10 tỉ đồng.
Tại các chốt kiểm soát, trung bình hàng ngày, Công an TP đã kiểm soát trên 60.000 lượt phương tiện và trên 60.000 lượt người, xử phạt bình quân là khoảng 500 trường hợp. Ngoài ra, công an còn nhắc nhở một số trường hợp vi phạm tương đương với số xử phạt mỗi ngày.
Thượng tá Tuyến cho biết thời gian tới Công an TP sẽ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định giãn cách theo Chỉ thị 16 tại khu toả, cách ly.