Theo đó, 10 sự kiện như sau:
1. Quốc hội thông qua Luật Tiếp cận thông tin - hiện thực hóa quyền tiếp cận thông tin đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp.
Việc ban hành luật này có ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy dân chủ, góp phần bảo đảm bình đẳng, công bằng trong xã hội, tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.
Đồng thời việc ban hành luật còn góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống tham nhũng; tăng tính minh bạch của thị trường...
2. Quốc hội thông qua Luật Đấu giá tài sản - bước đột phá trong việc hoàn thiện thể chế đấu giá tài sản, bảo đảm việc xử lý tài sản khách quan, công khai, minh bạch, bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức, Nhà nước.
Luật đấu giá tài sản có nhiều nội dung mới mang tính đột phá trong việc tạo cơ chế xử lý tài sản của cá nhân, tổ chức, Nhà nước.
Với việc quy định chặt chẽ trình tự, thủ tục đấu giá tài sản, Luật Đấu giá tài sản sẽ góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và Nhà nước.
3. Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật có bước tiến mới, bảo đảm tốt hơn yêu cầu về tiến độ, chất lượng, nổi bật là việc thẩm định chùm nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; số văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh nợ đọng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
4. Lần đầu tiên hệ thống thi hành án dân sự hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu nhiệm vụ, đặt dấu ấn quan trọng trong năm kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống Thi hành án dân sự và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất, qua đó góp phần quan trọng trong việc bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân.
5. Hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ III đã được tổ chức thành công trong cả nước, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân tham gia, góp phần và nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải tỏa mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ngay tại cộng đồng dân cư.
6. Tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, bước chuyển mới trong công tác giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Thông qua việc sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để gửi hồ sơ, nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính, tổ chức, cá nhân không phải trực tiếp mang hồ sơ, tài liệu, giấy tờ đến cơ quan hành chính nhà nước để nộp và chờ nhận kết quả ngay tại cơ quan đó.
Cách làm này giúp tiết kiệm thời gian, công sức của người dân, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa, vùng địa bàn cách trở; tiết kiệm chi phí cho toàn xã hội mà vẫn bảo đảm an ninh an toàn đối với hồ sơ, giấy tờ liên quan đến tổ chức, cá nhân.
7. Triển khai phần mềm đăng ký khai sinh điện tử và cấp số định danh cá nhân đáp ứng các yêu cầu của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân, đặt nền móng xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền đăng ký khai sinh của người dân.
Tính đến ngày 30/12/2016, toàn hệ thống đã ghi nhận hơn 378.676 trường hợp đăng ký khai sinh với gần 303.968 trường hợp đăng ký mới được cấp Số định danh cá nhân.
8. Chuẩn tiếp cận pháp luật trở thành nội dung trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo cơ sở bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân, từng bước xóa bỏ tình trạng nghèo đa chiều.
9. Hợp tác pháp luật được thúc đẩy mạnh mẽ, toàn diện trên mọi bình diện đa phương và song phương với điểm nhấn là Việt Nam gia nhập Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp, Tổ chức quốc tế về Luật Phát triển (IDLO) và tổ chức thành công Hội nghị Tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt Nam - Lào mở rộng lần thứ ba.
10. Đóng góp quan trọng của Trường Đại học Luật Hà Nội cho sự nghiệp cải cách tư pháp và xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam.
Sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ giữa Nhà trường nói riêng và bộ, ngành tư pháp nói chung với các hoạt động của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội; góp phần lan tỏa tinh thần, phong cách, hình ảnh của cựu sinh viên Trường Đại học Luật Hà Nội đến đông đảo các thế hệ sinh viên đã và đang học tập tại trường; gắn kết hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường với thực tiễn và hoạt động lập pháp của Quốc hội.