Công ty cung cấp chỉ số chứng khoán toàn cầu FTSE Russell mới đây đã công bố cập nhật xếp hạng các thị trường chứng khoán.
FTSE Russell đánh giá cao những thay đổi tích cực mới
FTSE Russell cho biết sẽ vẫn duy trì thị trường Việt Nam ở nhóm thị trường cận biên “frontier market”. FTSE Russell khẳng định đánh giá cao những nỗ lực phát triển thị trường, tuy nhiên sẽ cần phải có thêm các thay đổi để giúp nhà đầu tư nước ngoài dễ tiếp cận thị trường hơn cũng như cần phải giải quyết những vấn đề liên quan đến xử lý giao dịch.
Việt Nam đã được đưa vào danh sách theo dõi để nâng hạng thị trường từ tháng 9-2018. Tuy nhiên, theo FTSE Russell, các biện pháp cải tổ thị trường có tiến độ chậm hơn so với kỳ vọng, một phần bởi đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, yêu cầu buộc nhà đầu tư nước ngoài ký quỹ 100% trước khi giao dịch bị coi như trở ngại quan trọng với việc nâng hạng.
Có thể lạc quan về khả năng nâng hạng thị trường
Để giải quyết vấn đề này, phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã có những động thái rất mạnh mẽ. Ngày 20/3/2024, Uỷ ban chứng khoán Nhà nước đã đăng tải thông tin lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch chứng khoán; bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán; hoạt động của công ty chứng khoán và công bố thông tin trên thị trường chứng khoán (Thông tư số 120/2020/TT-BTC; Thông tư số 119/2020/TT-BTC; Thông tư số 121/2020/TT-BTC; và Thông tư số 96/2020/TT-BTC).
Cùng với nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung khác, dự thảo Thông tư dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung quy định cho phép giao dịch không ký quỹ 100% tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài (NĐTTCNN). Đồng thời, công ty chứng khoán (CTCK) được nhận lệnh giao dịch mua chứng khoán của khách hàng là NĐTTCNN khi tài khoản của khách hàng không đủ 100% giá trị lệnh đặt.
Dự thảo cũng quy định, CTCK thực hiện đánh giá năng lực của khách hàng để xác định mức ký quỹ theo thỏa thuận tại hợp đồng ký kết giữa CTCK và khách hàng.
Cũng theo đề xuất của cơ quan quản lý, đối tượng được cung cấp dịch vụ là những CTCK có tình hình tài chính tốt, đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán, đủ hạn mức để đáp ứng việc thanh toán cho giao dịch chứng khoán của NĐTNN sử dụng dịch vụ này trong trường hợp NĐTNN tạm thời mất khả năng thanh toán.
Có thể lạc quan về khả năng nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC).
Trong báo cáo mới nhất, chứng khoán BSC nhận định FTSE Russell sẽ có kỳ đánh giá và đến tháng 9-2024, khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell xem xét nâng hạng chính thức. Và đến tháng 9-2025, FTSE sẽ chính thức nâng hạng chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi
Thuộc sở hữu của Sở giao dịch chứng khoán London, FTSE Russell là một trong ba công ty cung cấp chỉ số hàng đầu thế giới bao gồm MSCI, FTSE Russell và S&P Dow Jones Indices.
Tương tự như MSCI, sự phân hạng thị trường của FTSE là cơ sở tham chiếu đánh giá vị thế một quốc gia, thị trường và doanh nghiệp trong mắt các nhà đầu tư quốc tế và có ảnh hưởng lớn tới các chỉ số tiêu chuẩn toàn cầu.
Cụ thể, FTSE Russell phân loại các nền kinh tế theo 4 hạng: Thị trường phát triển;Thị trường mới nổi tiên tiến;Thị trường mới nổi thứ cấp; Thị trường cận biên
Các nguyên tắc phân loại thị trường của FTSE bao gồm:Độ thịnh vượng tương đối của nền kinh tế: Thu nhập bình quân đầu người (theo dữ liệu GNI per capita của World Bank) và xếp hạng tín nhiệm.
Chất lượng thị trường: Chất lượng về hệ thống quy định, pháp luật, môi trường giao dịch,quy trình lưu ký, thanh toán và sự hiện diện của thị trường phái sinh.