Nâng hạng thị trường chứng khoán: Việt Nam còn thiếu 2 tiêu chí

(PLO)- Thị trường sớm được nâng hạng sẽ có động lực tăng trưởng mạnh mẽ là nhận định của các chuyên gia, nhà quản lý tại tọa đàm Thị trường chứng khoán “Xây nền - Tích luỹ - Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 5-3.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Theo đó, bà Phạm Thị Thuỳ Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN) cho biết, để nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam đã đạt 7/9 tiêu chí, còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện là ký quỹ trước giao dịch nhà đầu tư nước ngoài và tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền

chứng khoán
Theo bà Phạm Thị Thuỳ Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường (UBCKNN), để nâng hạng thị trường chứng khoản, Việt Nam còn 2 tiêu chí cần hoàn thiện.

Đối với vấn đề ký quỹ, bà Linh cho biết, UBCKNN đã trao đổi với các tổ chức xếp hạng quốc tế để tìm giải pháp. Và UBCKNN cũng đã trình Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi bổ sung một số văn bản.

Trước mắt không yêu cầu ký quỹ 100% bằng tiền đối với nhà đầu tư nước ngoài tổ chức, đảm bảo hoạt động nước ngoài, hoạt động thanh toán.

Về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, UBCKNN cùng với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT rà soát ngành nghề, đồng thời công bố thông tin minh bạch bằng tiếng Anh để nhà đầu tư chứng khoán nắm thông tin tỷ lệ sở hữu của các doanh nghiệp một cách dễ dàng nhất.

Ngoài ra, kiến nghị Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ ngành khác để rà soát các ngành nghề, có thể mở rộng tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài với một số ngành nghề không thiết yếu.

Bên cạnh đó, sẽ báo cáo Bộ Tài chính sửa đổi quy định công bố thông tin bằng tiếng Anh áp dụng với các công ty đại chúng và công ty niêm yết chứng khoán có quy mô lớn.

Dự kiến áp dụng các công bố bằng tiếng Anh đối với công bố thông tin định kỳ và tổ chức niêm yết có quy mô lớn từ ngày 1-1-2025. Đối với thông tin bất thường từ ngày 1-1-2026. Và áp dụng cho tất cả các công ty đại chúng trong hoạt động công bố thông tin từ ngày 1-1-2028.

TTCK Việt Nam bắt đầu có tiếp cận vốn nước ngoài

Về nâng hạng, các tổ chức xếp hạng quốc tế chia thị trường chứng khoán làm 4 nhóm chính:

Nhóm thứ nhất, thị trường phát triển có vốn lớn, có độ mở cao, các sản phẩm trên thị trường này có độ phức tạp cao, có sự luân chuyển.

Nhóm thứ hai, TTCK mới nổi có khả năng cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận, tính quy mô thanh khoản ở mức cao, quy định pháp lý chặt chẽ. Tổ chức xếp hạng hiện tại chia nhóm này làm hai thứ hạng: thị trường mới nổi bậc cao và thị trường mới nổi thứ cấp.

Nhóm thứ ba là TTCK cận biên. Việt Nam đang ở thứ hạng này, nghĩa là nhóm thị trường đã bắt đầu có tiếp cận vốn nước ngoài.

Nhóm thứ tư là nhóm TTCK chưa được xếp hạng, ở những thị trường có bất ổn chính trị, hoặc quy mô nhỏ.

Ngày 13/12/2023 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 1360/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp thúc đẩy TTCK phát triển an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững.

Công điện nêu, về cơ bản TTCK đã duy trì hoạt động ổn định, an toàn, thực chất hơn, hiệu quả và minh bạch hơn, từng bước lập lại trật tự, kỷ cương kỷ luật trên thị trường chứng khoán, tiếp tục củng cố niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Công tác thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh của TTCK Việt Nam được chú trọng, hướng tới mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi.

Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK năm 2024 hồi cuối tháng 2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục nhấn mạnh quyết tâm nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi trong năm 2025.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đề cập tới 7 nhiệm vụ trọng tâm với ngành Chứng khoán. Trong đó, yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẩn trương phối hợp với các tổ chức quốc tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và các bộ, ngành liên quan triển khai các giải pháp, xử lý các vướng mắc thuộc lĩnh vực phụ trách để đáp ứng tiêu chí nâng hạng TTCK từ cận biên lên thị trường mới nổi. Qua đó hỗ trợ tâm lý của nhà đầu tư và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại thị trường Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm