Nâng hạng thị trường chứng khoán, Việt Nam có tiềm năng huy động vốn 78 tỉ USD

(PLO)- Đại diện Ngân hàng Thế giới chia sẻ với Thủ tướng rằng việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ giúp Việt Nam có tiềm năng huy động vốn 78 tỉ USD.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 với sự tham gia của đại diện nhiều bộ ngành, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp liên quan...

nâng hạng thị trường
Ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại Việt Nam

Tận dụng hiệu quả thị trường tài chính

Tại hội nghị, ông Ketut Ariadi Kusuma, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo của World Bank tại (WB) Việt Nam đánh giá cao Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030. Chiến lược nêu ra những mục tiêu quan trọng và giải pháp thực hiện để đạt được mục tiêu.

WB đã hỗ trợ các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc xây dựng Chiến lược này thông qua việc đóng góp ý kiến vào các dự thảo và ghi nhận “Ủy ban Chứng khoán, các Sở Giao dịch Chứng khoán, Tổng công ty Lưu ký Bù trừ đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc tìm kiếm các giải pháp nâng hạng thị trường”.

Ông Ketut Ariadi Kusuma cho rằng khát vọng của Việt Nam trong việc nâng cấp TTCK lên thị trường mới nổi là bước đi chiến lược, phù hợp với tham vọng chuyển đổi thành quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2035 và quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi tốc độ tăng trưởng thực tế bình quân đầu người hằng năm khoảng 5,95% trong hai thập kỷ tới, có nghĩa là mức tăng trưởng thực tế phải cao hơn mức này vì tính đến mức tăng dân số.

Mục tiêu tham vọng này phụ thuộc vào việc tận dụng hiệu quả thị trường tài chính để dẫn vốn đầu tư tới các mục tiêu kinh tế này, trong đó thị trường vốn đóng vai trò rất quan trọng. TTCK đã đạt được mức vốn hóa khoảng 6.000 tỉ đồng (247 tỉ USD, khoảng 57% GDP) vào năm 2023 và thậm chí từng đạt kỷ lục 93% GDP vào năm 2021, thể hiện tiềm năng huy động vốn cho khu vực doanh nghiệp.

Hiện tại, Việt Nam được MSCI và FTSE Russell phân loại là thị trường cận biên và được đưa vào chỉ số thị trường cận biên (FM). Cho đến nay, thị trường Việt Nam vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhất trong rổ chỉ số FM (hơn 30% tổng tài sản quản lý) và đã đạt đến giới hạn kỳ vọng trong rổ chỉ số cận biên.

Kể từ tháng 9-2018, Việt Nam lọt vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường chứng khoán của FTSE Russell lên thị trường mới nổi và được MSCI theo dõi xem xét định kỳ.

Việc nâng hạng TTCK sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận thị trường thỏa đáng đối với các nhà đầu tư nước ngoài và có mức vốn hóa đạt quy mô, tính thanh khoản hấp dẫn ngang hàng với nhiều nước đang phát triển tương tự như Việt Nam.

3 điều kiện quan trọng

WB ước tính việc nâng hạng TTCK có thể mang lại tới 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam phải đáp ứng một số điều kiện quan trọng như sau:

Thứ nhất, Việt Nam phải được nâng hạng bởi cả hai nhà cung cấp chỉ số quốc tế là FTSE Russel và MSCI. WB ủng hộ cách tiếp cận hiện tại của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là ưu tiên được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp bởi FTSE Russell trước. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng phần lớn vốn đầu tư mới sẽ đến từ việc nâng hạng bởi MSCI.

Thứ hai, xem xét giải quyết các vấn đề về giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (FOL) và tiếp tục cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn với các giải pháp như cải thiện công bố thông tin, tăng tiếp cận với các cổ phiếu đã đạt đến giới hạn và quan trọng nhất là tăng giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài.

Nếu giới hạn sở hữu vẫn là một hạn chế, Việt Nam có thể sẽ chỉ nhận được dòng vốn ròng tối đa 5 tỉ USD, vì thị trường lúc đó chỉ chiếm chưa đến 1% chỉ số EM toàn cầu. Nhưng nếu giới hạn sở hữu được giải quyết hoàn toàn, tỉ trọng của Việt Nam trong chỉ số EM có thể tăng hơn 1% và điều này có thể mang lại thêm 8-15 tỉ USD.

Thứ ba, cần có một môi trường đầu tư lành mạnh trên toàn cầu để Việt Nam cũng có thể tận hưởng sự tăng trưởng tự nhiên của đầu tư toàn cầu vào thị trường mới nổi, ước tính tăng trưởng khoảng 7% mỗi năm. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 8-12 tỉ USD đầu tư cho đến năm 2030.

Ngoài ra, chuyên gia của WB cũng lưu ý việc phát triển cơ sở nhà đầu tư trong nước để cân bằng dòng vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Sự đa dạng hóa đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội là chìa khóa giúp quỹ đầu tư hiệu quả hơn về lâu dài và mở rộng cơ sở nhà đầu tư và giúp ổn định và phát triển thị trường vốn trong nước.

Những cải cách tổng thể trong lĩnh vực lương hưu có thể mang lại khoản đầu tư mới lên tới 25 tỉ USD vào khu vực doanh nghiệp vào năm 2030.

Hơn nữa, những cải cách trong ngành bảo hiểm và quỹ đầu tư, nếu được thực hiện đúng cách, có thể mang lại thêm 28 tỉ USD cho khu vực doanh nghiệp thông qua thị trường vốn.

Tổng cộng, WB ước tính tiềm năng huy động vốn mới cho thị trường vốn là 78 tỉ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm