Nghe rưng rưng mất thôi cái cảm giác nhanh quá xen lẫn nôn nao.
Mà tết thì từ bé đến lớn nay tôi nghe cảm cũng như nhau. Nhớ cái tết lon ton theo ông nội bà ngoại đi thăm tết.
Tết trong giấc mơ tuổi thơ là len lỏi theo ông bà với những con ngõ nhỏ đất nện, nối nhà này qua nhà kia là những cánh cổng có cũng như không.
Đã nghe xôn xao mùi Tết
Nghĩa là những cái cổng có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Có cổng được lắp bằng những thanh gỗ tạp gỡ ra từ những thùng chứa hàng quân dụng hay hàng viện trợ của Mỹ, hở rộng đủ cho đứa nhỏ năm mười tuổi chui qua chui lại chơi trốn tìm, thấp bằng ngang bụng người lớn.
Cái cổng như một ước lệ ngăn cách mà không phải giới hạn. Ở trong nhà mình nhìn qua nhà hàng xóm thấy hết trơn. Chiều chiều ra vịn cây cổng là mặt đối mặt, tha hồ vừa chuyện trò vừa mớm cơm cho con trẻ.
Con ngõ còi cọc, có đôi chỗ có cây mai quanh năm trơ xương, có chỗ hàng rào còn là hàng cây mủ lá xanh, xưa, mẹ tôi hay dặn dò loại lá có mủ độc, đừng táy máy để day vào mắt.
Nhà bà Thang xóm tôi, đất dài lắm, dài bằng cả con hẽm xóm tôi kéo đến cuối xóm dưới. Hàng mủ xanh ngít lúp xúp đầu đứa con gái mười tuổi thuộc loại đẹt đẹt như tôi.
Tết đã đến rất gần
Cái cách trồng cây mủ làm hàng rào cũng nhân văn chứ, tôi nghĩ vậy, chớ ai đó mà nghĩ ra trồng cây xương rồng làm hàng rào thì tội bọn nhỏ chúng tôi quá. Có bữa chạy ngã nhào vào bụi mủ, cây gãy giòn tan, ứa mủ trắng, cây này gãy đè lên cây khác tạo thành lổ hổng, rồi ít bữa lại mọc lại cành non, nhanh lắm.
Cái hàng rào cây mủ mới có chuyện bọn chúng tôi chui rào lá, rón sau chuồng heo nhà bà Thang, nhón thêm mấy bước chân là đã đứng dưới mấy cây mãng cầu nhà bà. Tôi là đứa chúa chui rào nhà bà, vào đến sau vườn chẳng ai biết ai hay. Có bữa còn giả đò nhón gót một bước cho đến cổng chính rồi thẳng lưng đi vô làm như đã đi vào cổng chính!
Bạn có nhớ cái cảm giác hái trộm trái xưa không. Vừa run, vừa hồi hộp, mà trái thì vừa y tầm tay với. Nghĩa là vươn tay ra ta đã nắm được trái cấm. Thứ trái mà ngày thường nó đã là mơ ước. Xoài cóc, ổi, mận, trứng cá, khế, ...là hạng thứ dân với trái mãng cầu vương giả ta đang nắm trong tay.
Thường ta mấy khi vươn được tới gần trái chín, tròn đầy, viên mãn. Trẻ con hái trộm, tiếng là trộm, chớ ngày nào cũng liếc, cũng đáo qua xíu, thì còn đâu trái chín, chua loét, chát lè là vị thường xuyên nếm được, may lắm mới có trái kịp chín hườm hườm.
Mãng cầu trên cây đã mở mắt rất thơm. Những mắt mãng cầu giãn đều hình lục giác, màu xanh non non với đường viền rõ nét. Trái mãng cầu đã mở hết mắt chỉ cần để trên bàn một, hai ngày là mềm, mềm mà vẫn giữ nguyên màu xanh nõn chuối, bóc lớp vỏ, cùi trắng ngọt, thơm nức, mãng cầu vườn, chín, ăn vẫn còn nghe thơm mùi lá mãng cầu như vừa hái.
Tôi nhớ một trong những lần thắc thỏm dòm trộm thế thì được ông Thang kêu vào rồi còn được ông cho trái mãng cầu thơm như vậy trên bàn, trong cái căn nhà thờ phía trên đầy bí hiểm. Ôi trái mãng cầu vừa chín tới trên bàn nước của ông cho tôi cái vị không thể nào quên.
Đang nói cái cổng ngõ,
Xưa, cỡ tháng này trời khô, ngoại tôi xới miếng đất vuông vuông trước ngõ nhà, ngoại gieo hạt luống hoa vạn thọ, luống bươm bướm sao nháy. Tết đến cái sân nhà cậu hoa vàng khoe sắc.
Uh, thì rứa, những con ngõ thân thuộc, hàng ngày khô khốc. Rứa chợt mai thức dậy, cây mai đầu ngõ chợt nhú hoa vàng báo tết sớm, dãy vạn thọ trong mảnh vườn con cũng bựt búp xanh lộ cánh vàng lấp loá là cái xóm gần biển nhà tôi vào tết.
(PLO)- Làng hương Thủy Xuân (Thừa Thiên - Huế) nổi tiếng với nghề làm hương trầm hàng trăm năm nay.