Công dân TP Thủ Đức cần thay đổi những giấy tờ sau

Vừa qua, Pháp Luật TP.HCM nhận được nhiều câu hỏi của bạn đọc về những loại giấy tờ nào người dân phải cấp đổi, đính chính khi từ 1-1-2021, ba quận: Thủ Đức, quận 2, quận 9 chính thức sáp nhập thành TP Thủ Đức.

Trao đổi với PV, Luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, đã có phần giải đáp về các thắc mắc trên cho bạn đọc.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo LS Hậu, sáp nhập 3 quận thành TP Thủ Đức dẫn đến những thay đổi nhất định về địa giới hành chính như số nhà, đơn vị hành chính phường, xã… Khi có sự thay đổi về đơn vị hành chính thì công dân cần đổi lại giấy tờ có ghi địa chỉ cũ sang địa chỉ mới để đảm bảo các giao dịch có sử dụng giấy tờ được thuận tiện. Các giấy tờ có ghi đơn vị hành chính gồm:

CMND, căn cước công dân

CMND/CCCD là giấy tờ tùy thân có ghi quê quán và nơi thường trú của công dân. Khi quận Thủ Đức, quận 2, quận 9 chính thức sáp nhập thành TP Thủ Đức thì thông tin về quê quán, đặc biệt là nơi thường trú của người dân sẽ thay đổi. Do đó, người dân TP Thủ Đức cần phải thay đổi lại CCCD.

Hiện tại, Công an TP.HCM đang tiến hành cấp thẻ CCCD gắn chip thay cho CMND, CCCD mẫu cũ nên khi có thông báo đổi CCCD của TP Thủ Đức, những ai nằm trong đối tượng được cấp đổi thì nên tiến hành việc cấp đổi CCCD trong cùng thời điểm này để tiện lợi.

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú cũng là giấy tờ ghi đơn vị hành chính. Điều 29 Luật Cư trú 2006 quy định trường hợp có thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà thì cơ quan quản lý cư trú có thẩm quyền căn cứ vào quyết định thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đính chính trong sổ hộ khẩu.

Cũng theo  Điều 18 Thông tư 35/2014 của Bộ Công an, khi có thay đổi địa giới hành chính, đơn vị hành chính, đường phố, số nhà  trong sổ tạm trú thì người được cấp sổ cần liên hệ với cơ quan quản lý cư trú để thực hiện điều chỉnh các thông tin trên sổ tạm trú.

Theo quy định tại Luật Cư trú 2020 thì kể từ 1-7 tới, sẽ không còn cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú. Những sổ đã cấp vẫn có giá trị sử dụng đến hết 31-12-2022.

Vì vậy, đối với sổ hộ khẩu và sổ tạm trú, người dân nên đợi hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thầm quyền mới quyết định đổi hay không, tránh việc đi đổi xong chỉ sử dụng được thời gian ngắn.

Sổ hồng

Điều 6 Thông tư 23/2014 của Bộ TN&MT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 33/2017 quy định tại trang 2 của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (gọi tắt là sổ hồng) có ghi số thửa đất trên bản đồ địa chính và địa chỉ thửa đất gồm tên khu vực (xứ đồng, điểm dân cư,...); số nhà, tên đường phố (nếu có), tên đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, nơi có thửa đất.

Cũng theo Điều 17 của thông tư này, khi có những thay đổi về tên nơi vị hành chính nơi có đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất cần thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền để được xác nhận các thông tin được thay đổi vào giấy chứng nhận.

Ngoài các giấy tờ trên còn có giấy phép lái xe, hộ chiếu, thẻ BHYT, giấy đăng ký doanh nghiệp… là những giấy tờ có ghi đơn vị hành chính cần được thay đổi.

Theo lộ trình của UBND TP, đến ngày 7-2, toàn bộ hệ thống các cơ quan ở TP Thủ Đức và các phường trực thuộc chính thức đi vào hoạt động.

Từ ngày 7-2 đến ngày 23-5, tổ chức bộ máy hành chính TP Thủ Đức sẽ triển khai thực hiện các hướng dẫn của sở, ngành trong việc thực hiện thủ tục chuyển đổi các loại giấy tờ có liên quan đến đời sống, an sinh xã hộikinh doanh cho cá nhân và tổ chức. 

Theo đó, người dân, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi giấy tờ do thay đổi địa giới đơn vị hành chính sẽ không mất phí.

Trong thời gian này, người dân tại TP mới nên theo dõi các hướng dẫn thủ tục chuyển đổi giấy tờ của cơ quan chức năng để biết rõ các loại giấy tờ nào cần chuyển đổi và thủ tục thực hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới