Công khai, minh bạch sẽ quét sạch tham nhũng

(PLO)- Khi công khai, minh bạch lên ngôi thì những “liên minh ma quỷ” hay những “cú bắt tay dưới gầm bàn” cũng chẳng thể tồn tại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những đại án liên quan tới tham nhũng, tiêu cực thời gian qua đặt ra một vấn nạn: Vìsao từ Luật Cánbộ, công chức đến Luật Phòng, chống tham nhũng và các điều cấm trong các luật khác đã rất rõ ràng mà cán bộ, công chức nhiều cấp… cứ vi phạm?

Những biểu hiện của tham nhũng như chạy chức, chạy việc, chạy dự án, chạy vốn… nổi lên như những ung nhọt không biết đến khi nào mới có thể triệt tận gốc và các vụ tham nhũng bị phát hiện cho thấy thủ đoạn ngày càng tinh vi, quy mô lớn hơn và tính chất phức tạp cao hơn.

Cán bộ, viên chức một quận ở TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NGUYỆT NHI

Cán bộ, viên chức một quận ở TP.HCM giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Ảnh: NGUYỆT NHI

Cử tri Đà Nẵng và TP.HCM khi kiến nghị về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đề nghị: Ngoài việc hoàn thiện thể chế, chính sách, hệ thống pháp luật thì phải xây dựng Đảng trong sạch, tiếp tục nâng cao năng lực, đạo đức của đội ngũ cán bộ, công chức. Đồng thời, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín.

Vì như đã nói ở trên, xét ra thể chế, chính sách, pháp luật để phòng, chống tham nhũng, chạy vốn, chạy việc... tương đối đầy đủ, nếu không muốn nói là đã phủ khắp, dự liệu gần hết nhưng tham nhũng, chạy chọt vẫn cứ diễn ra.

Và nếu mọi cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu đều tuân thủ các quy định, quy tắc, quy chuẩn... thì chắc chắn sẽ không có tham nhũng, tiêu cực, chạy nọ chạy kia. Nhưng vấn đề ở đây là thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu.

Các giải pháp Bộ Nội vụ trả lời cử tri đều đúng chủ trương, định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhưng dường như vẫn còn những điểm căn cơ khác để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bớt gian nan.

Chẳng hạn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dường như đang nhấn mạnh đến“không dám, không thể” nhiều hơn là “không cần, không phải” tham nhũng. Răn đe là điều tốt nhưng khó có thể giải quyết một chuyện phi lý là: Trong khi cấm, khuyến khích cán bộ, công chức không tham nhũng thì Đềán cải cách tiền lương, một chủ trương vô cùng đúng đắn, chưa được triển khai. Độ vênh giữa tiền lương và thực tiễn cuộc sống của công chức, cán bộ… tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cơ chế tuyển dụng nhân tài vào khu vực nhà nước vẫn cần được mở rộng. Vì suy cho cùng, nếu chọn cán bộ, công chức trong toàn Đảng, thậm chí là toàn dân, với cơ chế minh bạch, công khai thì sẽ tốt hơn là tuyển chọn trong một nhóm được quy hoạch.

Lãnh đạo của Đảng, Nhà nước nhiều năm nay nói rằng: Những gì tư nhân làm tốt thì Nhà nước không cần làm. Nếu định hướng này được thực hiện nghiêm thì chắc những dự án thể được quản lýtốt hơn khi mà mỗi một đồng vốn được tư nhân coi như máu thịt.

Khu vực Nhà nước nếu thu hẹp lại theo đúng chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế mà Đảng đang tiến hành từ nhiều chục năm nay thì Nhà nước sẽ không ôm đồm. Cơ chế xin - cho, khả năng “ban phát” của Nhà nước sẽ giảm đi. Chạy việc, chạy dự án, chạy vốn… cũng giảm theo.

Khi công khai, minh bạch lên ngôi thì những “liên minh ma quỷ” hay những “cú bắt tay dưới gầm bàn”cũng chẳng thể tồn tại. Tiêu cực, tham nhũng… khi đó có thể chỉ là đặc thù.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm