Năm 2019, hình ảnh đầu tiên về hố đen vũ trụ được công bố, cho thấy một vật thể mờ, có hình chiếc bánh rán đang bốc lửa. Sau 4 năm, các nhà nghiên cứu đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tái hiện lại hình ảnh đó với chất lượng hình ảnh tốt hơn, theo hãng tin AP.
Bà Lia Medeiros - nhà vật lý thiên văn tại Viện Nghiên cứu Cao cấp ở New Jersey (Mỹ) và cũng là người dẫn đầu nhóm nghiên cứu, đã công bố hình ảnh hố đen do AI tạo ra vào ngày 13-4 trên tạp chí Astrophysical Journal Letters.
So sánh với bức ảnh năm 2019, phiên bản mới này vẫn giữ nguyên hình dạng ban đầu, nhưng độ phân giải của ảnh sắc nét hơn.
|
So sánh hai phiên bản của hố đen vũ trụ ở M87, bên trái là hình ảnh được chụp năm 2019 và bên phải là hình ảnh được tạo ra bằng công nghệ AI. Ảnh: AP |
Hình ảnh được công bố vào năm 2019 cho thấy lỗ đen khổng lồ ở trung tâm thiên hà Messier 87 (M87) cách Trái đất 53 triệu năm ánh sáng. Các nhà nghiên cứu đã dùng một mạng lưới các kính viễn vọng vô tuyến để thu thập dữ liệu về ánh sáng và khí xoáy và tạo ra hình ảnh đó.
Tuy nhiên, phiên bản năm 2019 vẫn còn một số lỗ hổng trong kho dữ liệu. Vì vậy, các nhà khoa học đã sử dụng phần dữ liệu sẵn có cùng với các thuật toán hiện đại để chắp vá phần còn thiếu và tạo ra hình ảnh lỗ đen vũ trụ chính xác và rõ nét hơn.
Các nhà nghiên cứu cho biết bức ảnh do AI tạo ra trông tương tự ảnh gốc, nhưng đường viền “bánh rán” mỏng hơn và phần trung tâm tối đặc hơn.
Trên bài đăng công bố hình ảnh mới, bà Medeiros cho biết: “Tôi có cảm giác như đây mới là lần đầu tiên chúng tôi được thấy hình ảnh đó”.
Từ thành công của bức ảnh này, nhóm nhà khoa học của bà Medeiros hy vọng sẽ nghiên cứu thêm về tính chất và lực hấp dẫn của lỗ đen trong tương lai.
Ngoài ra, bà Madeiros cho biết thêm rằng nhóm của bà có kế hoạch sử dụng các thuật toán của AI để tạo ra thêm nhiều hình ảnh khác của các thiên thể, bao gồm cả hố đen ở trung tâm Dải Ngân hà - siêu hố đen Sagittarius A*.