Những năm gần đây, tại các TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… với mật độ xe cộ dày đặc, khói bụi mù mịt, ra đường thấy hầu như ai cũng mũ bảo hiểm, kính đen, khẩu trang (trừ những người đi xe hơi, taxi hay xe buýt). Tất cả chuyển động như những hình nhân vô hồn, không còn biết ai là ai. Nếu trời mưa thì càng giống một bộ phim về thế giới Ninja!
Cười ra nước mắt vì không nhận ra nhau
Hôm rồi, ông thầy cũ ở Úc về, gọi điện thoại bảo tôi ghé khách sạn chở ông đi uống cà phê. Ông bảo đến quán nào trên đường Đinh Tiên Hoàng, gần cà phê Hân ngày xưa thầy hay ghé uống ly cà phê sau giờ dạy ở Văn khoa để nhớ lại một thời. Tôi chạy xe máy đến đón thầy ở khách sạn, ông bảo chở ông đi một vòng ngang qua hai ngôi trường cũ ngày xưa ông dạy là Trường ĐH Vạn Hạnh (nay là Trường ĐH Sư phạm - Cơ sở 2) và ĐH Văn khoa (Trường ĐH KHXH&NV bây giờ). Ngồi ở quán cà phê bình dân nhìn ra đường Đinh Tiên Hoàng, dòng xe cộ như nước cuốn. Đã gần 9 giờ sáng nhưng đường sá vẫn kẹt xe, khói bụi mù mịt, ai cũng khẩu trang kín mít. Nhất là các bà và các cô, khẩu trang che kín mặt mũi, bao tay, áo khoác lụng tha lụng thụng, không còn nhìn thấy gì nhan sắc nữa.
Ông thầy già phát biểu: “Trời ơi, cứ như lạc vào thế giới của Ninja!”. Rời quán, tôi ghé nhà thuốc Tây mua mấy cái khẩu trang y tế đeo cho đỡ khói bụi. Chưa kịp đeo khẩu trang thì mây đen vần vũ tới, trời đổ mưa ào ào, không kịp trở tay. “Đúng là mưa Sài Gòn!” - ông thầy cảm thán. Tôi tấp vào trạm xe buýt trước cổng Trường ĐH Kinh tế đụt mưa. Thầy bảo nơi này trước năm 1975 là ĐH Luật, nơi ông có nhiều kỷ niệm về một mối tình thời sinh viên đầu những năm 1960. Mưa gió tạt ào ào. Hai thầy trò đứng đụt mưa ngắm nhìn TP mưa bay trắng xóa, người xe vẫn tấp nập tuôn tràn như thác lũ. Đám sinh viên Kinh tế tan trường đứng lố nhố trước cổng. Mặc dù trời mưa nhưng hầu như tất cả nữ sinh viên cô nào cũng mũ nón, áo gió, khẩu trang kín mít. Chợt một cô chạy băng qua đường: “Chào chú”. Rồi chợt thấy ông thầy già đi với tôi, nó lí nhí: “Cháu chào bác”. Tôi cười: “Mặt mũi kín mít thế kia giống như Ninja làm sao biết mày là con nhà ai?”. Nó bối rối gỡ “phụ tùng” trên mặt ra. À, thì ra con gái của một ông bạn họa sĩ, đang học kinh tế năm cuối, vẫn thường qua nhà chơi với con gái tôi. Nó bảo: “Bây giờ ra đường mà không “bọc kín” thì nắng gió, khói bụi ô nhiễm bào mòn hết nhan sắc, mai mốt ế chồng đó chú!”. Ông thầy tôi nghe nó nói cũng nói vui theo: “Ừ, phải đó cháu”.
Khói bụi khiến ai cũng đeo khẩu trang, ra đường chẳng còn ai nhận ra ai.
Có một nền “công nghệ” ăn theo khói bụi ô nhiễm
Hiện nay có cả một nền “công nghệ” ăn theo nạn ô nhiễm không khí, môi trường sống. Bà vợ bạn tôi trước kia làm ở hội phụ nữ quận, vài năm nay nghỉ ở nhà tổ chức may khẩu trang kiếm ăn cũng khá hơn lương ba cọc ba đồng của hội phụ nữ. Chị đi thu mua vải ký rẻ mạt, về phân loại, làm rập đủ loại khẩu trang, từ loại kín mít cả mặt mũi dành cho phụ nữ, khi gấp lại thành cái khăn cột tóc hay cái vòng tay bằng vải… Chị cắt, giao cho các bà các cô may, rồi đem đi bỏ mối. Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, chị đại diện phụ nữ phường lên TP lãnh kỷ niệm chương do có công tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ khó khăn trong phường, là nhờ tổ chức cho họ lãnh may khẩu trang kiếm thêm thu nhập.
Gần đây những gương sáng trong các chiến dịch “Thanh niên mùa hè xanh”, “Thanh niên bảo vệ môi trường” không ngại khó khăn, dơ bẩn chung tay làm sạch kênh rạch, dẹp bỏ những nơi tù đọng, diệt lăng quăng (bọ gậy) chống sốt xuất huyết… rất đáng biểu dương! Nhưng bên cạnh đó có một hiện tượng là ngày càng có nhiều thanh niên Việt lo làm đẹp (theo hiệu ứng thanh niên Hàn Quốc rất chú trọng đến chuyện làm đẹp, kể cả phẫu thuật thẩm mỹ)!
Hiệu ứng này không chỉ lan tỏa trong giới showbiz có điều kiện tài chính khá giả và thật sự có nhu cầu làm đẹp để biểu diễn, mà còn có những thanh niên bình thường, công nhân, viên chức có thu nhập thấp cũng vào các tiệm massage, hớt tóc để làm đẹp, đắp kem hút mụn, hút bụi bám vào lỗ chân lông, massage da mặt… Có cầu ắt có cung. Đã manh nha có một nền công nghệ làm đẹp cho thanh niên Việt và đang từng bước phát triển.