Công nghệ tổ chức siêu lợi nhuận

Một trận đấu vừa có hai nhà vô địch choảng nhau, vừa có yếu tố kích thích khi “cường công” quyết đấu “siêu thủ”, vừa có cả yếu tố lạ khi tay ngang McGregor thách đấu nhà vô địch Mayweather trên sân đấu sở trường của đối phương... Tất cả tưởng chừng như sẽ là một trận đấu hấp dẫn nhưng xem rồi mới thấy nó chỉ là một trận đấu phô diễn khoảng cách khủng khiếp giữa dân tay ngang và dân chuyên nghiệp.

McGregor là nhà vô địch của UFC (dân Việt Nam gọi bình dân là đấu võ lồng sắt), một bộ môn chấp nhận các thể loại đòn đấm, đá, siết, khóa..., tóm lại là đấu làm sao cho đối phương ôm đầu máu, bỏ cuộc thì thôi. Anh có thể là trùm ở sàn đấu đó nhưng trên võ đài boxing thì Mayweather mới là chúa tể.

Khi thách đấu bằng thể thức boxing, McGregor đã tự làm yếu mình đi rất nhiều. Đầu tiên, anh không thể sử dụng các ngón đòn chân, đòn khóa, siết (thường thấy ở UFC nhưng bị cấm ở quyền Anh), đó là một bất lợi lớn khi hầu hết các ngón tấn công chính bị triệt tiêu.

Trước trận đấu, hai võ sĩ đã được công nghệ PR đẩy lên đỉnh điểm về một cuộc so tài thu hút rất nhiều tài trợ với cái giá cao ngất.

Võ đài quyền Anh thứ thiệt Mayweather áp đảo võ đài “tự do” với kiểu đấu trong lồng sắt. Ảnh: GETTY IMAGES

Thứ hai, yếu tố rất quan trọng trong đấu võ đó chính là “nhịp” khi sử dụng một tổ hợp đòn. McGregor chắc khó hình dung cái khó khăn này vì thường ngày anh có thể bắt đầu bằng một đòn nhử tay phải, nhá đầu gối trái, xoay đó, sấn đó, đè lấy đối phương và siết chặt... Khi hầu hết đòn sở trường bị cấm, “nhịp” tấn công của McGregor sẽ bị chậm lại so với bình thường, thậm chí tạo thành cản trở vô hình mà anh không thể thấy cho đến khi bước lên sàn đấu.

Thứ ba, sự nghiệp dư của McGregor lộ rõ trong chiến thuật khi thi đấu lẫn cách phòng thủ cơ bản. Trong bốn hiệp đầu, Mayweather chủ động nhường thế trận hoàn toàn cho dân tay ngang để phòng thủ và quan sát. Sau bốn hiệp núp trong hai cánh tay phòng thủ chắc chắn, nhà vô địch quyền Anh bắt đầu triển khai và lúc đó là lúc McGregor no đòn.

Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa dân chuyên và dân nghiệp dư chính là đôi tay phòng thủ khi xuất phát. Trong khi Mayweather giữ vững đôi tay ngang tầm mặt để che chắn, còn McGregor bỏ lỏng phòng thủ, tay thì luôn ngang khoảng giữa ngực và thắt lưng. Vì vậy khi Mayweather tung đấm, McGregor hoàn toàn không đỡ bằng tay kịp, anh chỉ sống sót bằng cách né là chính, điều này vô tình bào mòn thể lực của McGregor và thế là từ hiệp thứ năm trở đi, người ta chỉ còn chờ đến bao giờ Mayweather ghi điểm knock out mà thôi.

Trận đấu lắm tiền nhiều bạc đã kết thúc không có gì bất ngờ khi kẻ nhiều kinh nghiệm và giỏi hơn đã chiến thắng. Nếu đấu kiểu luật rừng chưa biết ai thắng nhưng trên sàn đấu quyền Anh, McGregor chỉ là một thứ quá nhỏ nhoi so với Mayweather. Rõ ràng là trừ khi bạn chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng, không thì đừng dại mà thách thức nhà vô địch trên một sân chơi không phải sở trường của mình.

Tuy nhiên, điều mà giới chuyên môn kết luận và chỉ ra lại cũng chính là những phân tích ở trên trong một trận đấu mà hai nhà vô địch ở hai thể loại “đấm đá” khác nhau. Đó là việc làm sao để có một trận tỉ thí khiến cả thế giới phải ngưng lại để theo dõi sau những cuộc thách thức được đẩy lên cao trào. Và quan trọng nhất của những nhà tổ chức không phải là người thắng lẫn kẻ thua đều ôm được một mớ tiền kếch xù mà là doanh thu của một trận đấu lớn hơn rất rất nhiều so với cuộc so găng kiểu Mike Tyson ngày nào.

Đó là công nghệ tổ chức siêu lợi nhuận vượt qua mọi luật lệ trên sàn đấu…

Thắng trận đấu này Mayweather nhận 100 triệu USD chưa bao gồm các khoản tiền từ các nhà tài trợ, còn McGregor nhận 30 triệu USD. Riêng ban tổ chức thì trúng quả đậm vì hai giờ trước trận đấu, đơn vị sở hữu bản quyền và cung cấp dịch vụ trận đấu qua mạng đã phải dừng dịch vụ giá 100 USD xem trận cầu trên do số người hiếu kỳ xem trận đấu này đã quá tải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm