Công trình trùng tu nhà thờ Đức Bà là công trình trọng điểm của Tổng giáo phận TP.HCM trong những năm tới.
Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với linh mục Hồ Văn Xuân, Tổng đại diện Tổng giáo phận TP.HCM, Trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà, xung quanh kế hoạch trùng tu.
Tượng gỗ từng bị nhầm là tượng xi măng
. Phóng viên: Việc lên kế hoạch cho trùng tu nhà thờ Đức Bà đã được thực hiện như thế nào, thưa linh mục?
+ Linh mục Hồ Văn Xuân: Chúng tôi xin khẳng định công trình trùng tu nhà thờ Đức Bà là công trình của Tổng giáo phận TP.HCM, nghĩa là công trình của Tòa Tổng giám mục chứ không đơn thuần là công trình trùng tu của các linh mục nhà thờ Đức Bà. Các linh mục nhà thờ Đức Bà cộng tác với Tòa Tổng giám mục để thực hiện việc này.
Ban trùng tu có chín người, trong đó ba linh mục của Tòa Tổng giám mục, ba linh mục của nhà thờ Đức Bà và ba giáo dân.
Giờ chúng tôi đang chuẩn bị những bước sơ khởi, cụ thể là ngoài sự đồng ý của UBND TP.HCM, gặp gỡ trao đổi với các sở, ban ngành liên quan trên địa bàn TP.HCM: Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng, Ban Tôn giáo… Chúng tôi cũng đã nhờ Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn kiểm định tổng thể mức độ hư hao của công trình.
Cái mà chúng tôi quan tâm nhất là trùng tu chứ không phải xây mới nên phải làm sao giữ nguyên trạng vì nhà thờ Đức Bà là kiến trúc độc đáo, nó gắn liền với sự hình thành, phát triển của TP này. Còn về phía Công giáo nó là di sản tôn giáo, di sản tinh thần của tiền nhân để lại.
. Cụ thể, hiện công trình nhà thờ Đức Bà đang hư hại phần nào nặng nhất?
+ Chúng tôi chưa có một báo cáo cụ thể về mức độ hư hại từ công ty kiểm định. Chúng tôi chờ kiểm định xong, đánh giá mức độ thiệt hại, cái nào làm trước cái nào làm sau, sau đó mới hợp tác với bên thi công ước lượng kinh phí, chia làm nhiều giai đoạn.
50.000 viên ngói của mái ngói nhà thờ Đức Bà đang làm đơn vị trùng tu đau đầu vì khó kiếm ra ngói Pháp. Ảnh: QUỲNH TRANG
Nhưng dù chia giai đoạn như thế nào, cái đầu tiên cần làm ngay là thay ngói và chống dột cho năm mái vòm phía sau bởi phần này dột nát quá nặng. Mỗi lần mưa lớn nhiều phần ở nhà thờ nước đổ xuống dọc tường làm hư hại nội thất bên trong. Sau đó sẽ trùng tu phần tháp chuông; kế tiếp là phần nội thất phía dưới. Chẳng hạn, trong nhà thờ có những tượng gỗ nhưng qua thời gian tượng bị sơn trắng làm chúng tôi nghĩ là xi măng, khi đi khảo sát mới biết đó là tượng gỗ nên phần đó chúng tôi sẽ phải phục chế thành tượng gỗ trở lại. Bên trong nhà thờ còn có phần trùng tu quan trọng là làm sao để nhà thờ thoáng mát, hiện nhà thờ quá nóng. Và phần trùng tu sau cùng là cảnh quan xung quanh nhà thờ và khuôn viên phía trước tượng Đức Mẹ.
Riêng phần trùng tu tháp chuông và đàn đại phong cầm (pipe organ) cổ của nhà thờ còn phải nghiên cứu kỹ. Bởi hai hạng mục này tốn rất nhiều kinh phí và với trục quay của dàn chuông đặc biệt này cũng rất khó kiếm để làm lại. Chúng tôi đang dò từ những dòng chữ khắc trên chuông để tìm ra hãng đúc chuông.
Hiện chỉ còn rất ít ngói Pháp
. Được biết mái ngói của nhà thờ Đức Bà là ngói từ Marseille (Pháp), vậy khi thay ngói thì ngói mới sẽ như thế nào, thưa linh mục?
+ Cách đây mấy hôm trong buổi họp với các sở, ban ngành về việc trùng tu nhà thờ Đức Bà, Sở Văn hóa và Thể thao có đề nghị làm sao Tòa Tổng giám mục tìm được ngói nguyên thủy Marseille để thay sẽ phù hợp hơn.
Thực tế vấn đề ngói đang làm chúng tôi đau đầu. Chúng tôi đang cân nhắc rất nhiều về mái ngói nhà thờ. Toàn bộ mái ngói nhà thờ khoảng 50.000 viên ngói nhưng trong đó sau nhiều lần hư hại và tu sửa ngói nguyên thủy là ngói Marseille chỉ còn khoảng 40-50 viên. Giờ lượng ngói nhiều nhất ở trên mái nhà thờ là ngói Indochinois và ngói Phú Hữu. Không rõ thời gian cụ thể của việc thay ngói này nhưng chắc chắn thay từ trước năm 1975 và đến giờ cả hai hãng ngói Indochinois và Phú Hữu đều không còn. Chúng tôi đã liên lạc với Đồng Tâm nhưng không làm được ngói như cũ. Chúng tôi có tính phương án lợp nhưng rồi bỏ bởi lợp thì bền nhưng lại mất sự hài hòa với bên dưới.
Ngoài ra nhập khẩu một lượng ngói lớn như thế về Việt Nam cũng không phải là điều đơn giản. Hiện chúng tôi đang liên lạc phía Pháp để tìm nguồn ngói nguyên thủy ở Marseille hoặc những hãng ngói nào đó ở Pháp phù hợp.
. Ngoài ngói thì hệ thống kính màu mô tả các sự kiện trong Thánh kinh của nhà thờ sẽ được trùng tu như thế nào?
+ Kính màu của nhà thờ Đức Bà ngoài đẹp còn có ý nghĩa tôn giáo. Việt Nam mình có làm kính màu nhưng thật sự không bằng bên Pháp. Tháng 7 tôi sẽ đi Pháp cùng Đức Tổng giám mục, chúng tôi đi có việc khác nhưng tôi sẽ đến chỗ làm kính màu, cũng như kết nối với một số linh mục bạn tôi bên đó để nhờ liên lạc về vấn đề ngói.
Và trong đợt trùng tu này không chỉ kính và ngói mà nhiều hạng mục khác chúng tôi cũng nhờ sự hỗ trợ tư vấn từ phía Pháp. Như nhờ các chuyên gia Pháp ở TP Lyon (TP có kết nghĩa với TP.HCM) thường phục chế, chiếu sáng các công trình của Pháp tại TP.HCM như UBND TP.HCM, Nhà hát TP.HCM, Bưu điện TP.HCM… Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục gặp để cộng tác với nhóm này. Thế nên đây là vấn đề lớn cần sự hợp tác nhiều bên và công trình sẽ kéo dài nhiều năm.
Sẽ lắp mái vòm trùm nhà thờ khi trùng tu
. Vậy tại sao lại có thông tin nhà thờ Đức Bà sẽ trùng tu trong sáu tháng, thưa linh mục?
+ Không có chuyện sẽ trùng tu trong sáu tháng. Sáu tháng không thể làm được!
Thời gian qua Tòa Tổng giám mục có trùng tu nhà nguyện Tòa Tổng giám mục TP.HCM (nhà giám mục Pigneau de Behaine, tức Bá Đa Lộc ở và dạy cho Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh xây vào năm 1790 - PV). Việc trùng tu nhà nguyện nhỏ đó đã mất hơn một năm rưỡi, làm sao Nhà thờ Đức Bà có thể làm trong sáu tháng!
Nhà thờ Đức Bà là công trình trùng tu nhiều năm với kinh phí lớn và làm từng giai đoạn một. Bởi vậy giờ chúng tôi chưa nói được cụ thể, chỉ là dự kiến ba tháng nữa bắt đầu nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác. Chúng tôi cũng phải xin phép sử dụng một phần nào lòng đường bên hông nhà thờ để lắp dàn giáo.
Dàn giáo trùng tu cho nhà thờ sẽ khá đặc biệt bởi nó sẽ có luôn phần mái vòm phủ toàn bộ nhà thờ (trừ phần tháp chuông) để trong quá trình trùng tu giáo dân vẫn sinh hoạt được. Dàn giáo này chúng tôi phải nhờ lắp riêng để làm cho chắc, tránh được gió, mưa giông… để đảm bảo an toàn cho công nhân thi công, giáo dân lẫn người đi đường.
. Thực tế bên cạnh nhà thờ hư hại do thời gian thì không ít phần nhà thờ hư do người dân thiếu ý thức…
+ Quả thực có những vấn đề tế nhị khác làm ảnh hưởng đến sự xuống cấp lẫn mỹ quan của nhà thờ. Tôi thấy không chỉ Việt Nam mà nước ngoài cũng vậy, nhiều đôi yêu nhau đến ghi, vẽ lên gạch nhà thờ và còn nhiều vấn đề về vệ sinh rất bất tiện. Chúng tôi dự kiến sau khi trùng tu xong sẽ trao đổi ý kiến với nhiều bên để làm một hàng rào nào đó nhẹ nhàng, mang tính mỹ thuật nhưng làm sao để người dân không tiếp cận trực tiếp tường nhà thờ nhằm tránh những việc trên.
. Xin cám ơn linh mục.
Hệ thống chuông trục độc đáo Vương cung Thánh đường Chính tòa Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội hay còn gọi là nhà thờ Đức Bà được xây dựng vào năm 1880. Năm 1895, nhà thờ xây thêm hai tháp chuông có tất cả sáu chuông lớn, nặng tổng cộng khoảng 27 tấn, đặt dưới hai lầu chuông. Hệ thống chuông có trục của nhà thờ Đức Bà là công trình độc đáo của khu vực Đông Nam Á. Bộ chuông này được chế tạo tại Pháp và mang qua Sài Gòn năm 1879. Tháp bên phải treo bốn quả chuông (Sol, Đô, Rê, Mi); tháp bên trái treo hai chuông (La, Si). Trên mặt mỗi quả chuông đều có các họa tiết rất tinh xảo. Các chuông đều được điều khiển bằng điện từ bên dưới. Riêng ba chiếc chuông lớn trước khi đánh đều được khởi động bằng cách đạp (vì quá nặng) cho lắc trước khi bật công tắc điện. Đàn đại phong cầm thiếu người chơi Nhà thờ Đức Bà còn sở hữu cây đàn pipe organ (organ ống hay đại phong cầm) là một trong hai cây đàn cổ nhất Việt Nam hiện nay. Đây là cây đàn được thiết kế riêng và làm bằng tay. Tuy nhiên, hiện nay cây đàn này đã hoàn toàn hỏng do bị mối ăn phần gỗ bàn phím điều khiển bằng tay. “Tiếng đàn đại phong cầm trong phụng vụ là tiếng đàn nâng tâm hồn người ta đến với Chúa nên cây đàn quan trọng là phải có người biết chơi. Các nhà thờ nước ngoài có đàn đại phong cầm khi họ đánh đàn mình ngẩn ngơ vì hay quá, bên mình cũng có người đánh nhưng đánh giỏi thì kiếm hơi khó. Nếu trùng tu được đàn cũng phải đào tạo lớp kế thừa để có thể chơi được cây đàn đó”. Linh mục Hồ Văn Xuân |