Để bạn đọc hiểu rõ hơn về tội công súc tu sỉ (còn gọi là công khai dâm ô) mà pháp luật Việt Nam và Pháp xưa đã từng áp dụng, chúng tôi xin giới thiệu nội dung một số án lệ liên quan đến vấn đề này.
Công súc tu sỉ nằm trong các hành vi xâm phạm thuần phong mỹ tục: công súc tu sỉ, xâm phạm tiết hạnh, hiếp dâm, nghề tú bà, ma cạo. Có luật lại còn kể thêm vào đó hai tội phạm gian và song hôn. Hình luật ngày 2-8-1882 của Pháp có quy định về tội xâm phạm thuần phong mỹ tục. Điều 330 Hình luật Canh cải của nước ta thời phong kiến quy định “kẻ nào công khai xúc phạm tu sỉ sẽ bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm và phạt tiền từ 64 đồng đến 800 đồng”. Năm 1956, chính quyền ngụy nước ta có Dụ số 13, theo đó người nào phạm tội công súc tu sỉ sẽ bị phạt từ 10 ngàn đến 500 ngàn đồng và từ một tháng đến hai năm tù, hai hình phạt tù và tiền kêu chung.
Cấu thành tội công súc tu sỉ phải kể đến ba yếu tố: có sự kiện vật chất, mang tính cách công khai và ý định phạm tội.
Sự kiện vật chất
Phải có một cử chỉ, cử động, bộ tịch chạm đến thuần phong mỹ tục khiến cho người khác xấu hổ, sượng sùng, e thẹn khi trông thấy. Chẳng hạn như vén quần lên đi tiểu bày chỗ kín hoặc quan hệ sinh lý với nhau cho người qua đường trông thấy, gây lộn với người khác rồi trật quần cho đối phương thấy bộ phận sinh dục của mình, rờ rẫm, ôm bóp thô tục nơi thân thể một phụ nữ, thọc tay vào bên trong váy một bé gái (mặc dù nó ưng thuận)... là phạm tội công súc tu sỉ.
Thời Pháp thuộc, gái mại dâm bị tập trung lại có chỗ cho đỡ chướng mắt với những trò khiêu khích, bắt khách ngoài đường. Cô nào ra đường chận người đi đường, ôm bóp để khêu gợi người ấy, chưng bán hình ảnh lõa lồ, níu kéo khách vào phòng sẽ bị bắt giải tòa và bị xử phạt về tội công súc tu sỉ.
Đến năm 1955, gái mại dâm chèo kéo người đi đường không bị phạt về tội công súc tu sỉ nữa mà bị phạt về tội dắt mối, vì Dụ số 64 năm 1955 quy định tội dắt mối “sẽ bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm và phạt bạc từ 100 đồng đến một ngàn đồng những ai đã hoặc toan quyến rũ công khai những người bất luận nam hay nữ để dẫn dắt họ vào đường dâm đãng, bằng cử chỉ, ngôn ngữ, văn thư hay bất cứ bằng cách nào khác”.
Thẩm phán ngồi xử có toàn quyền xét coi bị cáo có phạm tội công súc tu sỉ hay không. Trong bản án phải nêu rõ yếu tố cấu thành tội, nghĩa là bị cáo làm như vậy khiến cho người khác phải sượng sùng, xấu hổ.
Mặc dầu làm cử chỉ ấy cho một hoặc nhiều người bằng lòng xem cũng bị tội. Chứ lời nói tục nơi công cộng hoặc thư từ, văn hóa phẩm có tục tĩu đến đâu đi nữa cũng không cấu thành tội này. Riêng sự khỏa thân không đủ để buộc tội công súc tu sỉ, nếu đương sự không phơi ra chỗ kín hay có những cử chỉ khiêu dâm và tục tĩu.
Tính cách công khai
Đây là yếu tố chính cấu thành tội công súc tu sỉ. Bản án tuyên phạt phải ghi rõ hành vi xâm phạm thuần phong mỹ tục xảy ra công khai, lý do tại sao phạt, hoàn cảnh nào khiến tòa xét thấy có tính cách công khai. Yếu tố công khai có thể được chứng tỏ qua những sự kiện được xác nhận là bị cáo đã vi phạm tại nơi qua lại có thể nom thấy bởi người thứ ba.
Chẳng hạn trong rạp chiếu phim mà một cặp trai gái có những cử chỉ âu yếm nhau như trong phòng the, rủi gặp cảnh sát viên nào làm việc sốt sắng thấy chướng mắt dẫn họ về bót thì cặp trai gái đó sẽ bị lập biên bản giải ra tòa về tội công súc tu sỉ. Trong một con đường nhỏ lúc vắng người cạnh một trường nữ sinh, một người đàn ông mở cúc quần hoặc vén ống quần lên để tiểu tiện, dù có che giấu cũng không được miễn tội.
Khi nói nơi công cộng người ta thường nghĩ đến những nơi mà ai cũng có thể tới được như nhà thờ, chùa chiền, rạp hát, tòa đô chính, trường học, quán ăn, công sở đang giờ làm việc v.v... Tuy nhiên, những nơi này không phải tự nó có tính cách công cộng (nói cách khác là chúng không có tính cách công cộng thường xuyên). Những nơi này chỉ được xem là nơi công cộng khi có người tới lui. Chẳng hạn, sau khi tan học, trường học hết phải là nơi công cộng.
Án lệ cổ của Pháp năm 1864 có ghi về một chuyện trái mỹ tục xảy ra trong lớp học sau khi học sinh ra về, không có ai thấy thì không có tính cách công cộng. Vào năm 1835, có một tòa án tại Pari đã xử một vụ tục tĩu diễn ra trong một căn phòng thông thương với nhà bếp và phòng ăn nhưng lại để cửa mở là có tính cách công cộng. Một án lệ khác của Pháp vào năm 1942 cũng cho rằng nếu việc ấy xảy ra trong sân trường và có một đứa trẻ chín tuổi tình cờ ngó thấy thì sân trường lúc đó cũng có tính cách công cộng.
Có nơi mang tính cách công cộng thường xuyên và tuyệt đối như các công trường, đường sá (trong thành phố hoặc đường ngoại ô, đường làng) v.v... Trong một câu lạc bộ hay nhà hội, cửa phòng chỉ khép sơ sài, căn phòng đó ai cũng vào được thì vi phạm bất cứ lúc nào cũng bị tội. Có nơi không phải là công cộng một cách tuyệt đối nhưng cũng là công cộng đối với một số người như nhà thương, khám đường, phòng nội trú, trại lính.
Ngược lại, trong quán trọ, các phòng cho thuê là chỗ riêng tư chứ không có tính cách công cộng. Tòa án cũng không xem là công cộng đối với các nhà thổ, sân của một căn nhà (dù có nhiều chủ thuê cũng vậy). Việc xảy ra trong phòng ngủ cũng không được xem là công khai.
Vậy trên toa xe lửa hoặc xe ôtô có phải là nơi công cộng? Án lệ cho rằng dù trên toa xe lửa hay xe ôtô mà có người trông thấy việc tục tĩu thì cũng bị trừng phạt như xảy ra nơi công cộng. Tuy nhiên cần phải phân biệt đó là xe chở khách hay xe nhà. Nếu việc xảy ra trên xe chở khách thì kể như đã xảy ra nơi công cộng tuyệt đối. Còn trên xe nhà, dù đang lưu thông trên đường cũng được xem như nơi riêng tư. Chỉ khi nào giở trò âu yếm quá đáng trên ấy mà không kéo màn hay kéo màn không kỹ để người ngoài trông thấy thì mới bị phạt như phạm tội nơi công cộng.
Tương tự, có hành vi quá trớn trong vườn hoa, cạnh một con đường đi, trong nhà riêng có cửa sổ v.v... mà để cho người khác trông thấy cũng bị xem là công khai. Trường hợp nhà đóng cửa hoặc hành sự trong phòng riêng nhưng người ngoài dòm qua khe cửa, kẹt vách, lá sách cửa sổ... hoặc có thể vào tận nơi nhìn thấy mà không gặp bất kỳ chướng ngại vật nào thì cũng phạm tội.
Có hành vi tục tĩu vào ban đêm cũng phạm tội. Nhưng nếu sự việc xảy ra lúc trời còn sớm, tại một chỗ không cạnh đường đi thì không sao.
Những người trông thấy phải là do tình cờ trông thấy thì việc xâm phạm thuần phong mỹ tục mới có tính cách công khai và bị trừng trị. Có tòa án cho là không có tính cách công khai khi hành vi tục tĩu diễn ra trong một căn phòng trước mắt một người vô tình chứng kiến. Trái lại, nếu có người thứ ba trông thấy do sự bất cẩn của bị cáo thì hành vi đó có tính cách công khai.
Có tòa án lại cho rằng nếu việc dâm ô xảy ra tại một nơi mà chỉ có một người vô tình trông thấy thì cũng có tội. Ví dụ: Trường hợp hai chị em đang ngủ mà một người đàn ông chui vào “quan hệ” với một người, tất phạm tội hẳn hoi. Nếu việc vi phạm thuần phong mỹ tục diễn ra ở một nơi riêng tư, trước mắt nhiều người tự ý chứng kiến thì không thành tội vì không có ai thẹn thùng cả. Trái lại, nếu có nhiều nạn nhân phải chứng kiến dù ngoài ý muốn của họ, thì những người ấy vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng, còn hành vi đó đã cấu thành tội công súc tu sỉ.
Ý định phạm tội
Ban đầu, các tòa cho rằng ý định phạm tội cũng là một yếu tố cần thiết trong cấu thành tội công súc tu sỉ. Trong bản án, quan tòa phải ghi rõ ý định phạm tội của bị cáo. Tuy nhiên không cần ghi ý định đó một cách rõ ràng mà chỉ cần thuật lại sự việc xảy ra cho người đọc bản án hiểu rằng bị cáo có ý định ấy là đủ. Nếu đương sự không cố ý làm người khác thấy và mắc cỡ thì không phạm tội.
Ví dụ: Một ban hát xiết cho khán giả xem một thiếu nữ lõa thể, chỉ che chỗ kín bằng một mảnh lụa nhỏ. Mặc dầu bị cáo biện luận rằng ban hát không hề quảng cáo màn khỏa thân, tự ý khán giả đến xem thì vẫn bị tòa án phạt về tội công súc tu sỉ. Trái lại, nếu tòa án xét thấy màn khỏa thân đó nặng tính cách văn nghệ thì tòa án miễn tội. Về điểm này các tòa phá án không thể kiểm soát được.
Án lệ dần dần bỏ yếu tố ý định phạm tội và chỉ lưu ý đến việc đương sự có hay không có cẩn thận phòng ngừa thiên hạ trông thấy việc tục tĩu mà xét có tội hay không. Tuy nhiên, nếu người vi phạm là người vị thành niên thì được miễn tội vì người đó còn nhỏ không phân biệt được phải trái.
Luật vẫn thua lệ
Tuy luật xưa ràng buộc chặt chẽ về tội công súc tu sỉ như vậy, nhưng ở đô thành Sài Gòn cũ hầu như không có chỗ đi tiểu nên nhiều người đi đường bạ đâu đi đó, thấy tường rào hoặc ngõ hẽm là giải ngay nhu cầu, bất kể nơi tôn nghiêm hoặc đông đúc. Đại diện các nhà chức trách không xử lý hết nổi mà còn có khi tham gia “đái bậy”. Trên đại lộ Lê Lợi có một cầu tiểu công cộng, người dân vào đó thi hành “đại sự” luôn, rồi thừa lúc vắng người đập bể gạch men mà chơi!
Ngay ở TP.HCM nay cũng vậy. Dù đã có văn bản quy định phạt những trường hợp “tiểu đường” nhưng âu là còn lâu nữa mới có thể khắc phục căn bệnh này.
BÌNH AN sưu tầm
(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM)