Tham dự hội thảo còn có công đoàn cơ sở cùng cụm thi đua số 4 là TAND TP và VKSND TP, đại diện công đoàn viên chức TP và đại diện Ban Chấp hành các công đoàn cơ sở thành viên thuộc Sở Tư pháp.
Theo đại diện công đoàn cơ sở Sở Tư pháp, thời gian qua công tác thanh tra nhân dân của Sở đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tuy nhiên vẫn có những khó khăn.
Đó là quy định tại Nghị định 99/2005/NĐ-CP của Chính phủ (hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra nhân dân) đã bộc lộ một số bất cập như khái niệm, từ ngữ không còn phù hợp với Luật Thanh tra năm 2010 và một số luật khác liên quan; quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thành viên Ban Thanh tra nhân dân, về bãi nhiệm, miễn nhiệm; chưa quy định cụ thể về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân tại cơ quan nhà nước ở các cấp… Ngoài ra, còn một số khó khăn trong thực tiễn triển khai hoạt động.
Từ đó, Sở kiến nghị công đoàn viên chức TP có ý kiến kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 99 nhằm khắc phục những thiếu sót, bất cập. Có cơ chế hỗ trợ thành viên Ban Thanh tra nhân dân để động viên, khuyến khích hoàn thành nhiệm vụ được giao…
Toàn cảnh hội thảo.
Tại hội thảo công đoàn cơ sở, VKSND TP giới thiệu chuyên đề, phạm vi giám sát của Ban Thanh tra nhân dân và các vấn đề cần lưu ý khi thực hiện giám sát.
Tham luận của công đoàn cơ sở Thanh tra TP thì đã phân biệt được sự khác nhau giữa thanh tra, kiểm tra và thanh tra nhân dân. Ngoài ra, đại diện Thanh tra TP cũng nêu rõ được một số kỹ năng, nghiệp vụ cần trang bị cho các thành viên Ban Thanh tra nhân dân để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Trao đổi tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng nhiều người nhầm lẫn giữa nhiệm vụ của Thanh tra nhân dân với Thanh tra Nhà nước và việc kiểm tra giám sát của công đoàn. Thực tế các cơ quan Thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước hoạt động có phần mờ nhạt vì họ phải kiêm nhiệm nhiều việc, không có kế hoạch thanh tra từ ban đầu (có việc gì thì làm việc đó).
Tuy nhiên vai trò, hiệu quả của các thành viên Ban Thanh tra nhân dân trong các cơ quan này không hề nhỏ. Do đó nhiều ý kiến đề xuất phải có cơ chế hỗ trợ về thể chế, có sự quan tâm của cấp ủy, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị. Ngoài ra, cần có một phần kinh phí nhỏ từ cơ quan trực thuộc cho hoạt động này để đạt hiệu quả cao nhất vì hiện nay không có một ưu đãi nào cho công việc này mà hoàn toàn làm việc trên cơ sở tự nguyện.
Đại diện công đoàn Sở Tư pháp phát biểu.
Chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đại diện công đoàn cơ sở Sở Tư pháp cho biết trong Ban Thanh tra nhân dân thì Ban Chấp hành công đoàn Sở luôn dự kiến một nhân sự là thành viên thuộc Thanh tra Sở, để tranh thủ nghiệp vụ.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện công đoàn Sở Tài chính phân tích việc cơ cấu tốt thành phần Ban Thanh tra nhân dân giúp khi có sự việc thì lực lượng đó đủ cơ sở và khả năng thực hiện nhiệm vụ. Đại diện cơ quan Thanh tra TP cho biết cơ quan này là Thanh tra nhưng cũng có một Ban Thanh tra nhân dân hoạt động độc lập và hiệu quả.
Đại diện công đoàn Thanh tra TP phát biểu.
Đại diện Ban Thanh tra nhân dân thuộc Cục Thi hành án TP thì cho rằng nhiệm vụ, quyền hạn của công tác này trong thực tế rất lớn. Vì vậy để hoạt động tốt thì phải có sự tương tác giữa hoạt động này và lãnh đạo cơ quan. Ban Thanh tra phải chủ động có kế hoạch hoạt động cho cả năm. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị cũng cần quan tâm và có chế độ chính sách, ưu đãi cho thành viên của Ban...