Tờ trình mới nhất của UBND TP.HCM về thẩm định, phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 gửi Bộ Xây dựng nêu định hướng phát triển bán đảo Thanh Đa: "Đảm bảo hình thành những điểm nhấn công trình quan trọng nhất, cao nhất, đẹp nhất của toàn thành phố, nổi bật trên một nền xanh lớn”.
Thanh Đa và công trình điểm nhấn của TP
Ngoài ra, UBND TP cũng yêu cầu phát triển bán đảo Thanh Đa thành một điểm đến đặc biệt hấp dẫn, đẳng cấp quốc tế, tạo thành một tam giác với khu trung tâm đô thị lịch sử (trung tâm Sài Gòn, Chợ Lớn và phụ cận) và khu vực hiện đại của trung tâm Thủ Thiêm sau này.
“Tính chất chính của khu này là một công viên vùng đất ngập nước hấp dẫn cấp quốc tế, thông qua việc tái cấu trúc thành một vùng trũng sinh thái, một nơi bảo tồn sinh quyển đất ngập nước với cảnh quan thật hấp dẫn và liên thông trong toàn khu”, UBND TP nhấn mạnh.
Trong đó, bán đảo Thanh Đa sẽ được bố trí đan xen những trung tâm đô thị có hệ số sử dụng đất cao, cao tầng để giảm thiểu mật độ xây dựng và có tầm nhìn rộng ra cả vùng cảnh quan. Trong đó, chức năng bao gồm hành chính, văn phòng, nhà ở cao cấp, khách sạn, thương mại dịch vụ, đặc biệt là phục vụ du khách.
Đồng thời, khu vực này cần phát huy và thể hiện những kỹ thuật xử lý môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, tạo các kết nối thuỷ bộ, giao thông công cộng thật thuận tiện về trung tâm, sang khu vực Thủ Thiêm.
Đây không phải là lần đầu tiên, đề xuất biến bán đảo Thanh Đa thành công viên sinh thái được đề cập. Vào tháng 5, nhóm tư vấn Pháp Liên danh tư vấn Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR) đã nêu ra ý tưởng này.
Trong hình phác thảo ý tưởng của liên danh tư vấn, Thanh Đa tương lai với những mảng màu xanh lá phủ kín là khu công viên, không gian xanh, sẽ có một công trình biểu tượng ở giữa bán đảo, và phần nhỏ dành cho phát triển đô thị.
Hành trình đi tìm công trình biểu tượng của TP
“Ý tưởng về xây dựng khu công viên đầm lầy Thanh Đa thành hiện thực sẽ là công trình độc đáo của thành phố, để TP có thể thu hút được đầu tư và ủng hộ của của các nhóm cộng đồng, doanh nghiệp và cả chính quyền”, PGS Trần Phương Trà, Giám đốc Mạng lưới Chính sách Kinh tế, AVSE Global trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM.
Theo bà Trà, bán đảo Thanh Đa thành công viên sinh thái sẽ thuận lợi cho việc phát triển thành phố gần gũi với thiên nhiên, thu hút nguồn lực và sẽ có hào khí của một công trình biểu tượng cho 50 năm thống nhất đất nước (vào ngày 30-4-2025).
Trong động thái mới nhất về kế hoạch chương trình, công trình, dự án thi đua tiêu biểu cấp Thành phố chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2025), UBND TP.HCM thông tin, ngày 30-4-2025 sẽ hoàn thành việc tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư để đầu tư vào khu Bình Qưới – Thanh Đa.
“Việc đầu tư sẽ góp phần hạn chế vấn đề quy hoạch kéo dài tại khu vực đầu tư dự án, tạo môi trường sống có chất lượng cho người dân; góp phần huy động nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, tạo sự phát triển chung của quận Bình Thạnh và Thành phố”, UBND TP đánh giá.
Ngoài ra, việc đầu tư ở khu vực này cũng sẽ góp phần tạo ra việc làm cho phần lớn khối lượng người lao động khi thực hiện dự án; tạo nguồn thuế đóng góp cho xã hội; góp phần tăng trưởng kinh tế của TP, UBND TP phân tích thêm.
“Việc tìm kiếm một công trình kiến trúc điểm nhấn, mang tính biểu tượng ở TP.HCM theo tôi là cần thiết, câu chuyện này lâu nay chúng ta cũng tính đến nhưng vẫn chưa triển khai được”, ông Khương Văn Mười, nguyên Chủ tịch Hội KTS TP.HCM cho biết khi nói về định hướng của Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo ông Mười, vị trí có thể tính đến như dọc sông Sài Gòn hay ở đâu đó phù hợp nhưng cốt lõi công trình đó phải đạt đến tầm cỡ. Tức là nhìn thấy nó thì người ta biết ngay là TP.HCM, giống như việc nhìn thấy chợ Bến Thành là hình ảnh rất quen thuộc với người dân và du khách trong và ngoài nước.
Vào năm 2019, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng nêu ý tưởng về việc làm cầu vượt biển nối huyện Cần Giờ (TP.HCM) và TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), xem là công trình biểu tượng của TP.HCM.
Chia sẻ về giấc mơ này trước đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết hiệp hội là đơn vị đưa ra ý tưởng về một cây cầu vượt biển đầu tiên trong hội nghị Quy hoạch phát triển Cần Giờ năm 2017 tại Sở QH-KT TP.
Đây được xem là một công trình mang tính biểu tượng như cầu Cổng Vàng - Golden Gate Bridge ở San Francisco (Mỹ). Công trình vừa giải quyết nhu cầu giao thông, vừa tạo cảnh quan cho khu vực.