Tôi làm việc cho một công ty xây dựng được hơn sáu năm. Hơn một năm nay, công ty nợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động (NLĐ).
Xin hỏi, trường hợp công ty không đóng BHYT, tôi có thể tự đóng BHYT theo hộ gia đình được không? Nếu tôi không tự đóng được thì công ty có trả tiền khi tôi tự đi khám chữa bệnh?
Bạn đọc Thanh Hưng, quận Gò Vấp, TP.HCM
Người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạnh.
Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Bảo hiểm xã hội TP.HCM trả lời: Tại khoản 3 Điều 49 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật. Theo đó, người sử dụng lao động phải đóng đủ số tiền chưa đóng và nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất liên ngân hàng tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, các ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ BHYT.
Người sử dụng lao động cũng phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả trong thời gian chưa có thẻ BHYT. Ngoài ra, người sử dụng lao động phải hoàn trả toàn bộ chi phí cho NLĐ trong phạm vi quyền lợi, mức hưởng BHYT mà NLĐ đã chi trả khi đi khám chữa bệnh trong thời gian chưa có thẻ BHYT.
Như vậy, trong trường hợp này, bạn không thể tham gia BHYT theo đối tượng hộ gia đình do còn ràng buộc hợp đồng với công ty (thuộc đối tượng tham gia BHYT theo nhóm NLĐ và người sử dụng lao động đóng). Đồng thời, nếu trong thời gian bạn không có BHYT mà đi khám bệnh thì công ty phải trả những khoản chi phí theo mức BHYT được hưởng.