Công ty VIFON bố trí công nhân ăn, nghỉ tại chỗ để sản xuất

Ngày 15-7, Tổ công tác thuộc Bộ phận Thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại TP.HCM cùng một số cơ quan quận Tân Phú đã kiểm tra công tác bố trí ăn ở cho người lao động ở các công ty sản xuất mặt hàng thiết yếu, phục vụ nhu cầu hằng ngày.

Tại Công ty CP kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON) chuyên sản xuất mì gói, ông Nguyễn Xuân Dũng, Quản đốc công ty cho biết công ty có 500/1200 người làm việc và ăn, ở tại chỗ. Mỗi người một chỗ ngủ, có gối, chăn, vòm chụp, bố trí quạt, cửa thông gió đầy đủ.

Đặc biệt, mỗi chỗ ngủ đều có đánh mã số tương ứng với mã số nhân viên, người lao động phải ngủ đúng chỗ của mình. Tất cả được yêu cầu thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K theo Bộ Y tế và được test nhanh COVID-19, tăng 60% lương cho khối văn phòng, 70% cho khối sản xuất, mỗi ngày được ăn ba bữa tương ứng số tiền hơn 80.000 đồng/người và bồi dưỡng thêm sữa.

Ông Nguyễn Công Chánh, Phó Chủ tịch UBND Quận Tân Phú thông tin quận Tân Phú có 16 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đăng ký vừa sản xuất vừa phòng dịch với khoảng hơn 3.000 lao động.

Ngoài ra, trong khu công nghiệp Tân Phú, có 21 doanh nghiệp đăng ký với khoảng gần 3.000 lao động. Toàn bộ người lao động trong các doanh nghiệp được đo thân nhiệt mỗi ngày. Cùng với đó, xây dựng các phương án phòng, chống dịch khi có xảy ra các trường hợp F0 trong doanh nghiệp để ứng phó kịp thời.

Tổ công tác của Bộ Y tế kiểm tra chỗ ăn, nghỉ của công nhân công ty VIFON. Ảnh: Hà Văn Đạo

Dẫn đầu đoàn công tác, ông Nguyễn Hùng Long , Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chỉ ra thêm nhiều giải pháp góp phần đảm bảo an toàn hơn, phòng dịch tốt hơn cho doanh nghiệp và người lao động.

Tại khu nhà ăn, ông Long đề xuất nên bố trí các vách ngăn ở bàn ăn phải cao hơn mặt người lúc công nhân ngồi ăn cơm, như vậy mới bảo đảm phòng dịch tốt, không sợ bị giọt bắn từ người đối diện.

Bên cạnh đó, nên chia ra mỗi phân xưởng ngồi ăn riêng trong một phân khu của nhà ăn, có đánh số hoặc mã chỗ ngồi ăn tương ứng với mỗi người. Như vậy, nếu không may một phân xưởng có ca liên quan COVID-19 thì sẽ truy vết, xử lý tốt hơn vì đã biết ai ngồi ở đâu, mã số nào.

Về suất ăn của người lao động, ông Long lưu ý phải kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cả người vận chuyển, chở các khẩu phần ăn đến cho công ty. Phòng y tế ngoài kiểm soát phòng dịch phải chú ý lưu mẫu, bảo đảm an toàn thực phẩm cho công nhân.

Tại nơi nghỉ, ngủ và việc đeo khẩu trang phòng dịch của người lao động, ông Long khuyến cáo doanh nghiệp cần bảo đảm nhà vệ sinh tốt, nhiều nơi đã lây nhiễm bệnh từ chính nhà vệ sinh. “Việc đeo khẩu trang trong công ty phải đeo cho đúng. Nếu đeo rồi mà thấy nóng kéo xuống hay tay mồ hôi cầm kéo khẩu trang nhiều rồi quẹt tay lên mặt là không nên. Hiệu quả phòng dịch từ việc đeo khẩu trang rất tốt”, - ông Long nêu.   

Ông Long lưu ý Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 của doanh nghiệp cần phải phân công cụ thể cho từng thành viên trong từng tổ, chia nhỏ ra đánh giá mức độ an toàn của từng phân xưởng chứ không đánh giá chung chung. Chỗ nào có nguy cơ cao cần có biện pháp xử lý phù hợp ngay.

 

Trước đó, UBND TP.HCM đã ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo thực hiện được vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động tại chỗ với phương châm “3 tại chỗ” gồm: sản xuất tại chỗ - ăn tại chỗ - nghỉ ngơi tại chỗ.

Đồng thời, đảm bảo thực hiện được phương châm “1 cung đường - 2 địa điểm”: chỉ duy nhất 1 cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở của công nhân (có thể lấy ký túc xá, khách sạn, chỗ ở tập trung cho công nhân).

Các doanh nghiệp ở TP.HCM không đảm bảo phòng chống dịch COVID-19 phải dừng hoạt động.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới