Công văn, thông tư: Sinh ra để hướng dẫn nhưng lại làm khổ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 29-3, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021”.

Nhiều vướng mắc từ văn bản, thông tư

Điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo do VCCI công bố là những vướng mắc, khó khăn do các loại văn bản, thông tư gây ra.

“Công văn có vai trò quan trọng trong thực hiện pháp luật, tác động đáng kể đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, thậm chí là môi trường kinh doanh của nước ta bởi công văn là văn bản chuyển tải các quy định tại văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) vào cuộc sống” - báo cáo của VCCI nêu.

 “Cùng là một loại hàng hóa nhập khẩu, trong công văn trả lời doanh nghiệp (DN), hải quan xác định là hàng hóa mỹ phẩm còn cơ quan quản lý về dược lại xác định là trang thiết bị y tế” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nói. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, trình bày báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2021”. Ảnh: CHÂN LUẬN

Đó cũng mới chỉ là một điểm “tiêu biểu” của công văn do cơ quan nhà nước phát hành. Về nguyên tắc, công văn không phải là VBQPPL nhưng lại có nhiều công văn chứa quy định pháp luật khi một luật chưa có nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Trường hợp này, cả cơ quan thực thi lẫn DN đều lúng túng không biết áp dụng thì công văn hướng dẫn thực hiện luật sẽ chứa QPPL.

Báo cáo của VCCI dẫn ra một số công văn tiêu biểu như: Công văn 8909/2020 của Bộ KH&ĐT, Công văn 1902/2017 của Bộ Y tế, Công văn 12166/2016 của Bộ Tài chính… Tất nhiên, việc có công văn hướng dẫn khi chưa có thông tư, nghị định cũng có tác dụng tránh lúng túng khi thực hiện nhưng ở góc độ pháp lý thì báo cáo của VCCI nói “phát sinh nhiều hệ lụy”. Một trong những hệ lụy đó là “làm suy giảm hiệu lực của Luật Ban hành VBQPPL và giảm giá trị của quy trình xây dựng VBQPPL, khi một văn bản hành chính cũng có thể ban hành quy định pháp luật”.

Ông Tuấn cho hay bên cạnh đánh giá tích cực về công văn thì DN cũng thấy có nhiều hệ lụy. Chẳng hạn nó gây ra việc chưa thống nhất giữa các cơ quan nhà nước, ảnh hưởng tới độ tin cậy của xã hội đối với pháp luật.

“Có trường hợp mặc dù trong công văn của cơ quan nhà nước xác định hoạt động của DN là không vi phạm nhưng khi DN thực hiện thì lại bị xử phạt bởi chính hành vi này. Vậy trách nhiệm của các cơ quan ban hành công văn ở đâu? Giá trị của các công văn trả lời việc áp dụng pháp luật như thế nào? Nó có phải là văn bản đảm bảo cho DN nếu thực hiện đúng theo hướng dẫn không?” - ông Tuấn nêu.

Phản ánh của các DN cho thấy nội dung công văn tồn tại rất nhiều vấn đề bất cập, trong nhiều trường hợp, tác động tiêu cực đến hoạt động của DN.

“Đây là loại văn bản không chịu sự kiểm soát của quy trình ban hành hay tính chịu trách nhiệm của các cơ quan ban hành đối với hoạt động ban hành công văn vẫn chưa thực sự rõ ràng, vì vậy đưa đến rất nhiều quan ngại cho cộng đồng DN” - ông Tuấn nói.

Thông tư “cài” điều kiện kinh doanh

Luật Đầu tư 2014 và 2020 dù không cho phép thông tư chứa điều kiện kinh doanh nhưng tình trạng này vẫn tồn tại. Chẳng hạn nhiều thông tư của Ngân hàng Nhà nước ban hành điều kiện kinh doanh về điều kiện cấp giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần; giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài; cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Thông tư còn đặt ra điều kiện kinh doanh ẩn trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Chẳng hạn như nhiều thông tư yêu cầu DN phải có cơ sở vật chất nhất định về diện tích tối thiểu, yêu cầu chứng chỉ nhân sự…

“Cũng có trường hợp không nhất thiết cần thông tư nhưng các cơ quan nhà nước vẫn ban hành” - ông Tuấn nói.

Chẳng hạn có đến hơn 70 thông tư hướng dẫn Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017, các quy định về điều kiện, trình tự thủ tục cấp giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; tổ chức tài chính vi mô… Lĩnh vực thuế giá trị gia tăng, DN hầu như chỉ quan tâm đến 14 thông tư quy định về thuế giá trị gia tăng.

“Các thông tư này quy định đầy đủ, chi tiết tất cả vấn đề liên quan đến thuế giá trị gia tăng. DN chỉ cần tra cứu các quy định tại thông tư là có thể áp dụng các quy định về thuế giá trị gia tăng trên thực tế không cần tra cứu thêm nghị định hay luật” - VCCI nêu.

“Hiện tượng thực thi luật bị lệ thuộc quá lớn vào các quy định tại thông tư đưa đến quan ngại về tình trạng “luật ống”, “luật khung” quay trở lại hay là quy định tại thông tư “to hơn” cả luật. Điều này sẽ tạo rủi ro cho môi trường kinh doanh, khi các quy định tác động đến DN lại được ban hành theo quy trình có tính chất nội bộ của các cơ quan thực thi” - ông Tuấn nhận xét.

Mỗi luật có tới 25,8 thông tư

Theo VCCI, giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 7-2020, số lượng thông tư chiếm hơn 68% tổng số lượng VBQPPL ban hành. 

“Tính trung bình mỗi luật có 6,8 nghị định, 1,8 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và có tới 25,8 thông tư, 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn. Với số lượng áp đảo so với các VBQPPL khác, thông tư có vai trò vô cùng quan trọng khi hiện thực hóa các chính sách của nhà làm luật và sẽ tác động rất lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, nhận xét. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm