Cải cách thể chế, nhìn từ cách 'quản lý hồ bơi'

LTS: Thời gian qua, các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong lĩnh vực kinh tế theo “hiệu lệnh” từ Chính phủ. Tuy nhiên, những rào cản, điểm nghẽn trong kinh doanh vẫn còn không ít, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Vậy cần có giải pháp nào mạnh hơn?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa mới công bố báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2020”. Liên quan đến báo cáo này, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu nói: “Trong những năm gần đây, việc ban hành và triển khai các luật về kinh doanh trong thực tế có những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt là trong việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục hành chính và thủ tục kiểm tra chuyên ngành”.

Cải cách thể chế, nhìn từ cách 'quản lý hồ bơi' ảnh 1
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho rằng các quy định không tốt của pháp luật vô hình trung gia tăng cho doanh nghiệp rất nhiều gánh nặng về chi phí. Ảnh: CHÂN LUẬN

Nguy cơ rủi ro về pháp luật 

. Phóng viên: Thưa ông, có thể điều đó được khởi đi từ Luật Công ty, Luật Doanh nghiệp (DN), Luật Đầu tư… từ những năm trước?

+ Ông Phan Đức Hiếu: Đúng vậy! Riêng Luật Đầu tư 2020 đã bãi bỏ được 22 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hàng nghàn điều kiện đầu tư kinh doanh khác đã được bãi bỏ theo yêu cầu của Nghị quyết 02 của Chính phủ. 

Điều này góp phần lớn vào minh bạch hóa môi trường đầu tư kinh doanh và hiện thực hóa quy định của Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của người dân trong ngành nghề mà luật không cấm. 

. Tuy nhiên, thực sự thì có thể thấy những rào cản, điểm nghẽn vẫn chưa hết. Và có thể đó là lý do mà Chính phủ tiếp tục ban hành các nghị quyết về cắt giảm ĐKKD, nâng cao năng lực cạnh tranh…

+ Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, như tôi từng phân tích rất nhiều lần rằng các quy định không tốt của pháp luật vô hình trung gia tăng cho DN rất nhiều gánh nặng về chi phí.

Trong các loại chi phí này thì chi phí cơ hội và chi phí không chính thức rất khó tính toán, khó nhìn thấy nhưng lại là gánh nặng không hề nhỏ với nhiều DN và diễn ra khá phổ biến. Bởi chúng ta hiểu rằng đối với hoạt động của DN thì cơ hội kinh doanh rất quan trọng nhưng pháp luật không tương thích, mâu thuẫn, không rõ ràng, không hợp lý, thủ tục phức tạp, kéo dài làm cho DN mất đi cơ hội kinh doanh và thậm chí dẫn đến phá sản. 

Trong khi đó, nếu muốn không mất cơ hội kinh doanh, sớm gia nhập thị trường thì DN lại phải chấp nhận một khoản chi phí không chính thức. Mà khi làm như vậy thì thực ra cả DN và cơ quan quản lý nhà nước lại đứng trước nguy cơ rủi ro về pháp luật nếu bị phát hiện. 

Dĩ nhiên, ngay cả pháp luật cũng đặt ra cho DN đầy những rủi ro không đáng có nếu nó không phù hợp với thực tiễn hoặc với những khái niệm mơ hồ như “đủ”, “phù hợp”, “thuận tiện”,“thích hợp”, “đủ sức khỏe”...

Cải cách thể chế, nhìn từ cách 'quản lý hồ bơi' ảnh 2
Thông tư 48/2018 của Bộ Y tế đưa hàng trăm loại nông sản phổ biến vào danh mục dược liệu phải đáp ứng các điều kiện kinh doanh dược khiến người dân và nhà kinh doanh gặp khó. Ảnh: TÚ UYÊN

Phải có cơ chế tạo sức ép cải cách

. Những năm qua Chính phủ nỗ lực cắt giảm ĐKKD và giao cho các bộ tự “lấy đá ghè chân mình”, tức là tự họ phải cắt giảm, đơn giản hóa những ĐKKD thuộc thẩm quyền của họ.

+ Cách làm đó có tác dụng nhất định khi ít nhiều số lượng ĐKKD đã giảm đi qua từng năm, từng đợt Chính phủ yêu cầu. Tuy vậy, cũng không thiếu những cách làm chưa thực chất, hình thức; có những loại ĐKKD được bãi bỏ bởi bộ, ngành này thì lại được quy định bởi bộ, ngành khác. 

Chúng ta thấy hiện nay vẫn tồn tại hàng loạt loại ĐKKD yêu cầu về địa điểm kinh doanh phải thuộc sở hữu, phải có diện tích tối thiểu, thời hạn sử dụng nhất định hoặc yêu cầu chung chung, không rõ ràng. Các yêu cầu này không phù hợp và không cần thiết bởi vì thông thường DN đều mong muốn có địa điểm kinh doanh ổn định, rõ ràng để thuận lợi cho giao dịch kinh doanh. 

Quy định diện tích tối thiểu làm giảm đầu tư quy mô nhỏ, giảm cạnh tranh, gây khó khăn cho DN vừa và nhỏ, mới gia nhập thị trường; cản trở ứng dụng công nghệ thông tin và mô hình kinh doanh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hay còn có cả các loại ĐKKD yêu cầu về năng lực sản xuất, quy mô tối thiểu hoặc phải có thiết bị, máy móc cụ thể. Các loại ĐKKD này không có mục tiêu quản lý nhà nước rõ ràng và thể hiện sự can thiệp hành chính quan hệ cung - cầu, gia tăng chi phí kinh doanh không cần thiết, tạo rào cản gia nhập thị trường. Điều này đi ngược lại chủ trương của Chính phủ về thúc đẩy mô hình kinh doanh đổi mới, sáng tạo, kinh doanh theo chuỗi và phát triển DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa.

Tóm lại, các loại ĐKKD ấy hoàn toàn có thể bãi bỏ hàng loạt do thiếu cơ sở khoa học và can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN.

Cải cách thể chế, nhìn từ cách 'quản lý hồ bơi' ảnh 3
Việc thu phí hạ tầng cảng biển sẽ tạo áp lực lên các doanh nghiệp khi mà các chi phí về logistics đã khá nặng nề. Trong ảnh: Vận chuyển hàng hóa tại cảng Cát Lái, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Ý ông nói là nếu giao cho các bộ hay các cơ quan nhà nước tự cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD thì khó có thể đạt được mục tiêu?

+ Phải nói tuần tự thế này. Từ nhiều năm nay chúng ta đã cải cách thể chế thường xuyên hơn. Sáu năm liền Chính phủ ban hành Nghị quyết 19, Nghị quyết 02. Trước đây, có những lúc cải cách chỉ tùy thuộc vào một số “sự kiện ngẫu nhiên” hay từ những đạo luật cụ thể, thậm chí là từ những cá nhân hoặc ban soạn thảo một luật cụ thể. 

Tuy nhiên, có một điểm chúng ta phải thấy rõ: Cải cách thể chế không thể là quá trình “tự thân” và do chính những người hằng ngày xây dựng và ban hành ra thể chế đó mà nó luôn đòi hỏi một cơ chế riêng, một cơ chế tạo sức ép cải cách từ bên ngoài và từ bên trên xuống. 

Như tôi nói và thực tế đã chỉ ra, nếu không có Nghị quyết 01 và sức ép của Chính phủ mà cứ để cho các bộ tự cải cách ĐKKD thì tôi tin sẽ chẳng bao giờ chúng ta đạt được tốp 4 ASEAN như các nghị quyết của Chính phủ đã đặt ra. 

Tôi hay dùng hình ảnh quản lý hồ bơi để nói về cải cách thể chế. Tức là muốn có một cái hồ bơi để DN bơi thỏa thích, sạch sẽ… thì trước hết phải làm sạch nó đã (tức là rà soát và cải cách quy định hiện hành). Tiếp theo, chúng ta phải có hệ thống lọc nước (kiểm soát chất lượng quy định mới ban hành), hạ tầng bể bơi tốt (năng lực cơ quan xây dựng thể chế) và luôn luôn phải có người gác bể bơi (cơ quan cải cách thể chế).

. Trong các vấn đề ông đặt ra như vậy, cái gì là quan trọng, hồ bơi hay người canh gác bảo đảm chất lượng nước trong hồ bơi?

+ Trong thời điểm hiện tại, tôi cho rằng chúng ta phải có một “người canh gác hồ bơi” tốt, chuyên nghiệp. Ý tôi nói về một cơ quan kiểm soát chất lượng các quy định pháp luật, một cơ quan độc lập tạo ra một sức ép cải cách từ bên ngoài. Tức là chúng ta phải có một cơ chế bổ sung, không phải là cơ chế tự thân từ các bộ nhằm cải cách thể chế diễn ra thường xuyên hơn, triệt để hơn. 

Cụ thể hóa cơ chế ấy, tôi nghĩ Việt Nam cần có một cơ quan giám sát thể chế được trao đủ thẩm quyền và có năng lực chuyên môn tốt.

. Xin cám ơn ông.

Cần một cơ quan chuyên trách có đủ vị thế

. Tôi nghĩ cần phải có một mô hình nào đó cụ thể hơn, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm ở các nước khác?

+ Lấy ví dụ, ở Hàn Quốc có Ủy ban Tổng thống về cải cách thể chế (Presidential Commission on Regulatory Reform), tổng thống bổ nhiệm và thủ tướng làm chủ tịch, cơ quan này được thành lập bởi một đạo luật. Hay ở Hoa Kỳ thì Văn phòng Thông tin và thể chế (Office of Information and Regulatory Affairs - (OIRA), thuộc Văn phòng Tổng thống, gồm 40 chuyên gia được giao nhiệm vụ giám sát về cải cách thể chế. Các cơ quan này được trao thẩm quyền rất lớn, có quyền bác đề xuất chính sách nếu không đạt chất lượng.

Ở nước ta cũng rất cần một cơ quan tương tự để đảm bảo rằng cải cách thể chế nhanh, hiệu quả và bền vững mà không phụ thuộc vào nhiệm kỳ hoặc sự tích cực của cơ quan này. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng cơ quan này cũng phải có vị thế đủ để các cải cách thể chế và có năng lực chuyên môn chứ không phải là hành chính.


Một số “gánh nặng” thủ tục

Dù các bộ, ngành đã cải cách rất nhiều so với trước đây nhưng hiện nay còn không ít các quy định gây cản trở, làm khó cho doanh nghiệp (DN). Chúng tôi xin đưa ra đây một số ví dụ:

Kinh doanh gas

“Kinh doanh khí” là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Để được kinh doanh ngành nghề này, thương nhân phải có hai loại giấy phép: Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (ĐKKD) khí. Trong hồ sơ để được cấp hai loại giấy phép này, thương nhân đều phải có “tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện về phòng cháy và chữa cháy”. 

Như vậy, đối với hoạt động “kinh doanh khí”, có hai cơ quan quản lý khác nhau sẽ cùng đánh giá về điều kiện phòng cháy và chữa cháy. Điều này tạo gánh nặng về thủ tục hành chính cho các chủ thể kinh doanh.

Vốn pháp định

Yêu cầu về vốn pháp định thường có trong các ngành nghề có tính đặc thù đòi hỏi phải có vốn. Việc không có vốn thì hoạt động kinh doanh của các DN trong ngành nghề này sẽ tác động đến các lợi ích công cộng. Chẳng hạn, ngân hàng - hoạt động kinh doanh chủ yếu trên cơ sở nhận tiền và cho vay, do đó cần phải đáp ứng điều kiện về vốn.

Một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện không có đặc thù trên nhưng vẫn thiết kế yêu cầu về vốn pháp định là chưa phù hợp về tính chất của ĐKKD. Vì vậy trở thành rào cản đáng kể cho các chủ thể gia nhập thị trường, nhất là các DN không có tiềm lực tài chính.

Chẳng hạn như các ngành nghề: Cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm; cung cấp thông tin tín dụng; hoạt động của nhà xuất bản; kinh doanh dịch vụ bưu chính yêu cầu về vốn pháp định trong các ĐKKD dường như là chưa phù hợp.

Các điều kiện kinh doanh chưa rõ ràng

Đây là các dạng ĐKKD được thiết kế theo hướng định tính, sử dụng những cụm từ như “đủ”, “phù hợp”, “cần thiết”. Các dạng điều kiện này đưa đến nhiều cách diễn giải khác nhau giữa DN và cơ quan cấp phép. Điều này tạo ra nguy cơ nhũng nhiễu của các cán bộ thực thi, gây khó khăn cho DN. 

Nội dung trong mẫu tài liệu không phù hợp

Mẫu giấy phép kinh doanh rượu quy định tại phụ lục của Nghị định 17/2020 có ghi thông tin về tên, địa chỉ của thương nhân sản xuất, phân phối rượu, bán buôn rượu cho người được cấp phép. Nghĩa là thương nhân có giấy phép kinh doanh rượu chỉ được phép kinh doanh rượu của các thương nhân được ghi trong giấy phép.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định 105/2017 về kinh doanh rượu thì thương nhân phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép nếu có sự thay đổi trong nội dung giấy phép. Điều này có nghĩa là thương nhân có giấy phép kinh doanh rượu thay đổi về thương nhân phân phối, bán buôn rượu thì phải thực hiện thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép.

Quy định này sẽ tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho các thương nhân kinh doanh rượu, bởi vì việc thay đổi nhà cung cấp rượu là hoạt động kinh doanh thường gặp, vì vậy quy định mỗi khi thay đổi nhà cung cấp, thậm chí nhà cung cấp thay đổi địa chỉ, thương nhân sẽ phải thực hiện thay đổi giấy phép sẽ là gánh nặng về thủ tục hành chính rất lớn cho DN…


Ý kiến chuyên gia

TS NGUYỄN SĨ DŨNG, Giám đốc Trung tâm Hòa giải tranh chấp thương mại Việt Nam:

Tuân luật này lại trái luật kia

Cái vướng mắc nhất là pháp luật chồng chéo, nếu tuân thủ luật này thì lại trái luật kia. Tôi từng biết có doanh nghiệp (DN) bị “thách” ba năm không làm xong thủ tục cho một nhà máy. Trường hợp này có thể vướng từ Luật Đầu tư sang Luật Đất đai. 

Khi pháp luật chồng chéo thì điều đầu tiên là nó khiến các cơ quan nhà nước tê liệt vì không biết phải giải quyết ra sao. Mặt khác, trong tình trạng pháp luật chồng chéo thì một cán bộ, công chức nếu muốn nhũng nhiễu cũng rất dễ. Khi anh thuận anh thấy lợi thì cho nó là đúng, khi muốn gây khó dễ thì đưa ra điều luật khác cho nó khó khăn. Đây là vấn đề rất lớn.

TS NGUYỄN ĐÌNH CUNG, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng:

Thay đổi tư duy là thế nào?

Ai cũng nói thay đổi tư duy nhưng đó là tư duy nào? Phải là “thị trường, thị trường, thị trường hơn; tự do, tự do, tự do hơn”. Chứ cứ nói thay đổi tư duy thì chẳng biết là thay đổi cái gì.

Tư duy đầu tiên phải là theo cơ chế thị trường. Nếu thị trường làm được rồi thì Nhà nước thôi. Vấn đề nào cũng phải đặt ra điều đó. Luật pháp có làm thì phải làm cho thị trường vận hành tốt hơn thôi. Nếu không tư duy theo thị trường thì chỉ làm luật để quản lý chứ không phải là cho phát triển.

Chẳng hạn, quy định “chấp thuận chủ trương đầu tư”… Tại sao Nhà nước lại can thiệp vào mục đích, quy mô, tiến độ đầu tư? Nếu địa điểm đầu tư thì Luật Đất đai nó giải quyết rồi. Luật Đầu tư chỉ cần giữ ưu đãi đầu tư thôi. Chúng ta đang tạo ra công cụ để quản lý chứ không phải để khuyến khích phát triển.

Rõ ràng là nếu chúng ta vẫn còn tiếp cận là làm luật để quản lý thì không xử lý được vấn đề kinh tế số. Xử lý vấn đề này là toàn cầu chứ không chỉ của Việt Nam. Không phải vấn đề này chúng ta không phù hợp nữa, mà là quá lạc hậu.

LÝ KIM CHI, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM:

Các bộ ngồi lại thì vướng mắc được giải quyết nhanh chóng

Thời gian vừa qua, hội đã nhận được ý kiến của các DN hội viên về việc DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa có nguồn gốc từ thực vật quy định tại Thông tư 48/2018 của Bộ Y tế (Thông tư 48). Bởi có đến hàng trăm loại thực phẩm rất phổ biến được dùng trong đời sống hằng ngày lại được đưa vào danh mục dược liệu và phải được quản lý theo quy định về sản xuất và kinh doanh dược liệu. Điều này sẽ đẩy các DN xuất nhập khẩu và kinh doanh thực phẩm có liên quan đến các mặt hàng nói trên vào thế không thể kinh doanh.

Rất vui là ngay sau đó một ngày, Bộ Y tế đã tổ chức ngay cuộc họp với các bộ liên quan và có văn bản gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan về việc thống nhất cho phép nhiều loại hàng hóa giáp ranh vừa làm thực phẩm, vừa làm dược liệu được áp dụng quy định tùy theo mục đích sử dụng của đơn vị nhập khẩu. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng dành cho các DN, giải tỏa cơ bản những khó khăn, bất cập mà các DN gặp phải khi thực hiện quy định tại Thông tư 48, nhất là trước thềm năm mới 2021. Như vậy, chỉ cần các bộ, ngành ngồi lại với nhau, các vướng mắc sẽ được nhanh chóng gỡ bỏ.

Tuy nhiên, thiết nghĩ cần bổ sung thêm một số loại hàng hóa giáp ranh vừa làm thực phẩm (các loại nước mát, thực phẩm bổ dưỡng, nguyên liệu…), vừa làm dược liệu vào dự thảo Thông tư bãi bỏ một phần Thông tư 48, đơn cử như atisô, đinh lăng, kỷ tử, đẳng sâm, nhân sâm, lạc tiên, rễ cỏ tranh, lá khế… Như vậy mới đảm bảo tháo gỡ hoàn toàn cho các DN thực phẩm.

Ông LÊ DUY HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội Logistics:

Việt Nam: Thu phí nên đúng thời điểm

Kể từ ngày 1-7-2021, DN xuất nhập hàng hóa qua cảng biển TP.HCM phải đóng phí hạ tầng cảng biển, mức phí cao nhất lên đến 4,4 triệu đồng/container. Việc thu phí này được kỳ vọng tạo nguồn thu hoàn thiện đường xung quanh cảng, giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, cũng như tăng năng lực vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế TP.

Tuy nhiên, các DN xuất nhập khẩu lo lắng vì phải gánh thêm chi phí, đặc biệt khi mà đại dịch COVID-19 vẫn kéo dài. Hiện các chi phí logistics đã khá cồng kềnh, nay lại thêm khoản phí này sẽ tạo thêm áp lực cho các DN. 

Việc thêm phí cũng làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh rất gay gắt, làm giảm hấp dẫn đầu tư FDI cũng như gây quan ngại cho các nhà đầu tư.

Thời điểm thu phí trong năm 2021 cũng là chưa phù hợp. Nguyên nhân là do dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, đặc biệt từ cuối năm 2020 đến nay, tình trạng thiếu hụt container rỗng dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao gấp cả chục lần khiến DN xuất nhập khẩu gặp rất nhiều khó khăn…

Do đó, trước hết cần có báo cáo đánh giá tác động cụ thể, kiểm chứng trên cơ sở đo lường được hiệu quả rút ngắn thời gian giao nhận hàng hóa tại khu vực cảng biển và giảm ùn tắc giao thông được bao nhiêu thì mới có tính thuyết phục cho việc thu phí. Ngoài ra, các mức thu, cách thu phải hợp lý, đơn giản và đáp ứng được khả năng chịu đựng của DN…

CHÂN LUẬN - QUANG HUY ghi

TP.HCM cần gần 90.000 tỉ đồng phát triển logistics
TP.HCM cần gần 90.000 tỉ đồng phát triển logistics
(PLO)- Căn cứ vào nhu cầu của sản xuất, lưu thông hàng hóa trong khu vực và xuất nhập khẩu, trên cơ sở rà soát nguồn quỹ đất hiện có của TP.HCM, đề án đề xuất bảy vị trí tiếp tục phát triển trung tâm logistics.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm