Ông Michael Ryan, người đứng đầu các chương trình khẩn cấp của WHO khẳng định: "Không nên lo sợ thực phẩm hay việc đóng gói, xử lý, giao nhận thực phẩm. Không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm hay chuỗi thực phẩm góp phần trong sự lây nhiễm của virus. Về khía cạnh COVID-19, thực phẩm là an toàn".
Đây cũng là quan điểm của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cùng Bộ Nông nghiệp nước này, khi đưa ra tuyên bố chung: "Không có bằng chứng cho thấy con người có thể nhiễm COVID-19 từ thực phẩm hay bao bì thực phẩm".
Những thông tin này được đưa ra ngay sau khi Bộ Y tế New Zealand ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong hơn 3 tháng qua. Cơ quan y tế nước này đặt vấn đề có thể dịch bệnh lây lan từ đường vận chuyển hàng hóa, do một trong những ca nhiễm mới là người làm việc tại cửa hàng nhập khẩu hàng đông lạnh từ nước ngoài.
Trước đó ngày 13-8, giới chức Trung Quốc cũng đã tìm thấy virus SARS-CoV-2 trên bề mặt các loại thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ nước ngoài, cụ thể là cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil và tôm đông lạnh từ Ecuador, theo Reuters.
Sản phẩm cánh gà đông lạnh của Aurora được bán ở Brazil nghi nhiễm virus Sars-CoV-2. Ảnh: Reuters
Theo báo cáo của WHO, chính quyền Trung Quốc đã kiểm tra vài trăm nghìn mẫu bao bì và chưa đến 10 mẫu có kết quả dương tính.
Các chuyên gia y học cũng cho rằng virus SARS-CoV-2 không thể sinh sôi trong thực phẩm, chúng cần động vật sống hoặc vật chủ là người để tồn tại và sinh sôi.
Chia sẻ trên tờ Reuters, Eyal Leshem, một chuyên gia đến từ Trung tâm y tế Sheba ở Israel bày tỏ, việc lây nhiễm COVID-19 thông qua tiếp xúc với virus đông lạnh từ thực phẩm nhập khẩu vẫn không được xem là con đường lây nhiễm chính và vẫn không phải là điều sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chính sách y tế công cộng. "Không có bằng chứng về sự lây truyền COVID-19 qua thực phẩm, hộp đựng thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm. Phần lớn các trường hợp lây nhiễm xảy ra là do tiếp xúc gần gũi với bệnh nhân bị nhiễm trước đó"- vị này cho biết.
Điều này cũng được giáo sư Jin Dong Yan, Đại học Hong Kong khẳng định loại virus này không thể tự nhân lên hay sản sinh trên bề mặt thực phẩm, bao bì. Mặc dù vậy, giáo sư Jin cũng không loại trừ khả năng một người có thể lây truyền virus thông qua các giọt bắn trên bề mặt thực phẩm hay bao bì, và người khác có thể nhiễm bằng cách chạm vào giọt bắn rồi đưa tay lên miệng hay mũi. Tuy nhiên, theo giáo sư Jin, các trường hợp như vậy là rất hiếm.
Tuy nhiên, trên tờ Businessinsider, Bà Caitlin Howell, kỹ sư hóa học và y sinh tại Đại học Maine (Mỹ) đặt vấn đề, khả năng lây nhiễm COVID-19 là có thể xảy ra, nhưng virus không tồn tại ổn định bên ngoài cơ thể con người.
"Việc đông lạnh hoặc làm lạnh virus có thể giúp kéo dài thời gian lây nhiễm, đó là lý do tại sao chúng tôi nghĩ rằng dịch bệnh dễ bùng phát tại các nhà máy đóng gói thịt. Nhưng việc lây truyền qua các bề mặt sản phẩm dường như rất hiếm".