Tính đến 19 giờ ngày 24-2, tờ South China Morning Post dẫn nguồn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ghi nhận toàn thế giới có 2.626 người tử vong vì bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (tên chính thức là COVID-19) gây ra, 79.707 ca nhiễm. Như vậy, so với cùng giờ ngày 23-2, số ca lây nhiễm tăng 798 người.
Đến nay có 34 ca tử vong được ghi nhận ngoài lãnh thổ Trung Quốc đại lục, gồm 12 ca ở Iran, 8 ca ở Hàn Quốc (HQ), 4 ca ở Nhật (tính cả du thuyền Diamond Princess neo ở cảng Yokohama), 2 ca ở đặc khu Hong Kong, 5 ca ở Ý, 1 ca ở Đài Loan, 1 ca ở Pháp và 1 ca ở Philippines.
Các cơ quan y tế Trung Quốc cũng cho biết có 25.262 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi điều trị và cho kết quả âm tính với COVID-19, tăng 2.116 người so với ngày 23-2.
Tình hình dịch bệnh ở HQ đến nay diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Cụ thể, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh HQ (KCDC) cho biết nước này chỉ trong ngày 24-2 ghi nhận thêm 231 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh lên 833 trường hợp, bên cạnh 8 ca tử vong nêu trên.
Thời điểm vàng ngừa dịch đã qua
Theo tờ The Korea Herald, các chuyên gia y tế HQ nhận định số người nhiễm tăng theo cấp số nhân những ngày qua cho thấy nước này đã bỏ lỡ thời điểm vàng để khống chế dịch, trong khi tình hình dịch vẫn chưa có dấu hiệu chạm đỉnh. Hậu quả là dịch bệnh có thể tiếp tục bùng phát ở quy mô lớn hơn trong thời gian tới.
“HQ đã bỏ lỡ thời điểm mà chính phủ hay KCDC có thể tự mình kiểm soát dịch. Giờ là lúc chúng ta cần cả xã hội hành động. Mọi người cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch mà giới chức y tế đưa ra” - chuyên gia dịch tễ học Kim Dong-huyn thuộc ĐH Y Hallym khẳng định.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm HQ Peck Kyong-ran chỉ ra sự gia tăng đáng báo động số ca nhiễm không rõ nguyên nhân đặt ra nguy cơ mọi công dân nước này đều có thể lây nhiễm COVID-19 dù chưa từng ra nước ngoài hoặc tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ nhiễm.
“Đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, chúng tôi đề nghị người dân hủy tất cả cuộc gặp mặt hay tập trung đông người không cần thiết. Hãy ở trong nhà càng lâu càng tốt, ít nhất cho tới khi tốc độ lây nhiễm bắt đầu giảm xuống” - bà Peck khuyến cáo.
Cảnh sát Hàn Quốc tiến hành kiểm tra thân nhiệt hành khách tại nhà ga Seoul ngày 20-2. Ảnh: AFP
Áp lực lên hệ thống y tế Hàn Quốc
Hôm 23-2, HQ đã chính thức nâng mức cảnh báo COVID-19 từ mức cam lên mức đỏ, tức nấc cao nhất nhằm củng cố hệ thống phản ứng với dịch bệnh. Tổng thống Moon Jae-in khẳng định HQ sẽ không ngần ngại áp dụng những biện pháp “mạnh mẽ chưa từng thấy” để kiểm soát dịch bệnh mà không bị giới hạn bởi quy định.
Được biết trong khoảng một tháng kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận ngày 20-1, HQ đã tập trung cách ly toàn bộ người lây nhiễm và theo dõi những người từng tiếp xúc với họ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chiến lược ứng phó này giờ đây không còn khả thi khi số ca nhiễm không có dấu hiệu chậm lại.
Theo GS Choi Won-seok thuộc ĐH Y HQ, đã đến lúc nước này thay đổi chiến lược phòng, chống dịch từ cách ly sang giảm nhẹ do khả năng phơi nhiễm trong cộng đồng hiện tại đã cao đến mức “không thể tránh khỏi”. Ông Choi giải thích khái niệm “giảm nhẹ” ở đây là trì hoãn tiến triển của dịch để giới chức và nhân viên y tế có thể tăng tốc độ phản ứng trong thời gian này.
Chia sẻ thêm, phó giám đốc trung tâm cấp cứu của ĐH Inha Park Jin-hui cho biết các bệnh viện và cơ sở y tế đang gặp rất nhiều khó khăn vì không đủ nhân lực, thiết bị để điều trị cho một số lượng lớn bệnh nhân cùng lúc đổ về như hiện nay.
“Chúng ta mới chỉ trải qua một tháng bùng phát dịch mà các bệnh viện đã hết chỗ để tiếp nhận thêm bệnh nhân có triệu chứng sốt và viêm đường hô hấp - những người cần cách ly với các bệnh nhân khác” - ông Park cho hay.
Ngoài ra, tình trạng quá tải nói trên cũng khiến nhiều bệnh viện không thể tiếp nhận điều trị bệnh nhân mắc bệnh nặng khác.
“Nhiều bác sĩ lo ngại rằng bệnh nhân mắc bệnh nặng khác có thể bị bỏ qua khi mọi nguồn lực y tế tập trung đối phó với dịch COVID-19. Bốn trung tâm cấp cứu ở Daegu đã đóng cửa. Bệnh nhân buộc phải tìm tới những bệnh viện xa hơn, làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus trong cộng đồng” - ông Park nói thêm.
Nếu tình trạng trên tiếp diễn, nhiều chuyên gia lo ngại những ca lây nhiễm COVID-19 nhẹ có thể phải tự cách ly tại nhà. “Đó là lý do các biện pháp như rửa tay và đeo khẩu trang vô cùng quan trọng. Nếu hệ thống y tế của chúng ta quá tải và sụp đổ, người dân đừng trông chờ gì nhiều” - ông Park cảnh báo.
Trong phiên họp ngày 24-2, Tổng thống Moon Jae-in khẳng định sẵn sàng bơm mạnh ngân sách để giúp các địa phương như Daegu chống dịch. Nếu cần thiết, ông Moon tuyên bố sẽ dùng đến các quỹ dự trữ hiện đã lên đến 2,8 tỉ USD. |
Chìa khóa chống dịch
Theo hướng dẫn phòng, chống dịch mới nhất của Bộ Y tế HQ, người dân nước này được khuyến cáo nên rửa tay và che miệng khi ho hoặc hắt hơi. Các biện pháp khác bao gồm khử trùng các đồ dùng hoặc bề mặt thường xuyên tiếp xúc, giữ phòng thông thoáng, tránh hội họp và tụ tập đông người, hạn chế để người già và người có hệ thống miễn dịch yếu ra ngoài.
“Chúng ta mới chỉ thấy dịch bắt đầu lây lan trên phạm vi cả nước. Nhưng những khuyến nghị an toàn trên có thể giúp chúng ta giảm bớt rủi ro. Rất khó để xác định một người chỉ mới giai đoạn đầu nhiễm virus. Do đó, giữ vệ sinh và hạn chế tiếp xúc bên ngoài là chìa khóa để chống dịch” - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm HQ Peck Kyong-ran cho hay.
Lý do WHO không công nhận COVID-19 là đại dịch Theo ghi nhận của hãng tin Reuters, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến nay vẫn không công nhận COVID-19 là đại dịch bất chấp nhiều chỉ trích từ giới chuyên gia. Giải thích về hành động này, phát ngôn viên của WHO Tarik Jasarevic cho biết tổ chức này hiện không còn sử dụng thuật ngữ đại dịch. “Hiện chúng tôi không phân ra các cấp độ chính thức cho đại dịch. WHO không sử dụng hệ thống phân cấp cũ vẫn quen thuộc với một số người kể từ năm 2009. Theo các quy định y tế toàn cầu (IHR), WHO sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng khi dịch gây lo ngại toàn thế giới (nhưng không công bố đại dịch)” - ông Jasarevic chia sẻ. Trước đó, vào hôm 30-1, WHO đã chính thức gọi COVID-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu khi dịch bùng phát mạnh tại Vũ Hán và Hồ Bắc. Việc công bố này nhằm giúp các nước tăng cường biện pháp đề phòng nhằm ngăn chặn dịch. |