Cuối năm 2014, dự kiến Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp (DN) từ công ty mẹ thành công ty cổ phần. Hiện Vietnam Airlines cũng đang triển khai các bước để IPO (phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu) sớm nhất có thể. Tuy nhiên, mọi việc dường như không hề suôn sẻ với hãng hàng không này.
Khó định giá
Câu chuyện cổ phần hóa của Vietnam Airlines đã được đặt ra từ rất lâu, thế nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được tiến hành đúng như kỳ vọng. Trước đó, ngay từ năm 2012, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng đã yêu cầu Vietnam Airlines phải đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu để trở thành tập đoàn hàng không quốc gia mạnh, trong đó ưu tiên là cổ phần hóa công ty mẹ. Ngoài ra, bộ trưởng cũng nhấn mạnh phải IPO không được chậm hơn năm 2013.
Tuy nhiên, mọi việc vẫn khó khăn hơn Vietnam Airlines tưởng. Trong đó khó khăn lớn nhất mà hãng này gặp đó chính là khâu định giá. “Việc định giá một hãng hàng không chưa có tiền lệ ở Việt Nam nên có nhiều đặc thù, nếu áp dụng theo các quy định của Nhà nước là không thực hiện được” - ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, đã phát biểu như vậy tại một hội thảo gần đây.
Cũng theo đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines, dự kiến trong đợt IPO tới, Vietnam Airlines sẽ đưa ra đấu giá khoảng 383 triệu cổ phiếu, kỳ vọng thu về khoảng 200 triệu USD. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số dự tính ban đầu.
Theo chủ trương của Chính phủ trong giai đoạn 1, Nhà nước vẫn giữ 70%-75% tại Vietnam Airlines, số còn lại sẽ bán cho các nhà đầu tư chiến lược.
Hàng không được coi là lĩnh vực khó thu hút vốn đầu tư, bởi vốn thì cao nhưng lợi nhuận lại thấp. Ảnh minh họa: MP
Nhà nước còn giữ quá nhiều vốn
Việc đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa tại Vietnam Airlines được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp hãng hàng không này tìm được một “chiếc áo mới” thay cho “chiếc áo cũ” cồng kềnh. Tuy nhiên, vấn đề mà Vietnam Airlines có thể gặp phải đó là khó thu hút nhà đầu tư chiến lược nếu Nhà nước còn giữ quá nhiều cổ phần.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nói: “Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi chỉ cho Vietnam Airlines bán khoảng 20% cổ phần. Bởi đây là tỉ lệ quá khiêm tốn, khó mà hấp dẫn được đối với những cổ đông chiến lược. Bởi đã là cổ đông chiến lược thì họ muốn mang vốn, công nghệ và họ phải có một tiếng nói, có vị trí nhất định trong công ty mình bỏ tiền ra. Vì chẳng ai muốn ngồi “chiếu dưới”, làm người góp vốn im lặng cả!”.
Từ đây chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng nên xem xét lại tỉ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ. Ngoài ra, nên có ý tưởng thu hút các nhà đầu tư chiến lược một cách rõ ràng hơn.
“Nhà nước cần xác định những vị thế chiến lược nào mà Nhà nước muốn giữ vị thế cổ đông ưu thế. Với Vietnam Airlines, Nhà nước có thể giữ 51%, như vậy cũng đã đủ rồi. Còn ở những DN khác như Vinamilk, bia, nước ngọt thì không cần. Nhà nước nên mạnh dạn bán cổ phần của mình và thu hút nhà đầu tư chiến lược” - chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, một nhà đầu tư đang bỏ vốn vào một hãng hàng không trong nước nói: “Trên thế giới, không có hãng hàng không nào mà nhà nước lại tham gia đầu tư. Hàng không là tư nhân hóa hết”.
Một vị lãnh đạo của một quỹ đầu tư cũng nói thêm, vốn dĩ đối với các hãng hàng không khi cổ phần hóa rất khó để thu hút các nhà đầu tư. Bởi lẽ hàng không vốn là lĩnh vực đòi hỏi vốn cao nhưng lợi nhuận lại thấp. “Các hãng hàng không trên thế giới rất ít hãng có lãi lớn. Vì vậy không nên kỳ vọng quá vào việc IPO của Vietnam Airlines bán ra sẽ có nhiều người mua” - vị này nhận định.
Còn việc Nhà nước bán số lượng cổ phiếu còn ít, vị lãnh đạo quỹ đầu tư trên cũng chia sẻ thêm: “Cổ phần hóa nhỏ giọt ban đầu cũng không phải sai vì bán hết không ai mua. Tuy nhiên, khi cổ phần hóa nhỏ giọt để quá lâu mà không có phương án tiếp cho cổ phần hóa còn lại thì sẽ không thay đổi bản chất của cổ phần hóa. Vì bản chất cổ phần hóa là để DN hoạt động hiệu quả hơn chứ không phải cổ phần hóa là để bán ra bao nhiêu, thu tiền bấy nhiêu”.
MAI PHƯƠNG
Vietnam Airlines chiếm 62% thị phần nội địa Vietnam Airlines chiếm khoảng 62% thị trường bay nội địa và 40% thị trường bay quốc tế. Hiện hàng không Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng 10%-20%. Trong đó đường bay TP.HCM và Hà Nội nằm trong 25 đường bay nhộn nhịp nhất thế giới. |