Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 2, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 1,15% so với tháng trước. Riêng nhóm hàng nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,64% so với tháng trước. Ngoài ra, nhóm bưu chính viễn thông tiếp tục giảm 0,02%. Trước đó, ngay cả tháng cận tết, chỉ số CPI của cả nước tháng 1 cũng chỉ tăng 0,69% so với tháng 12. Đây là mức tăng thấp nhất của tháng cận tết từ năm 2009 đến nay.
Có thể nói, CPI vốn dĩ là một “thước đo” tương đối mức độ nhạy cảm về giá cả của các mặt hàng tiêu dùng. Thậm chí có thời gian, chỉ số tăng CPI quá cao khiến các chuyên gia kinh tế phải giật mình và đề nghị Chính phủ cần kiểm soát lạm phát hơn nữa. Hơn một năm trở lại đây, lạm phát ở Việt Nam được đánh giá ở trong mức kiểm soát 6%-7%.
Tuy nhiên, với nhiều người đây chưa chắc là chuyện “vội mừng”. Lý giải về điều này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng chỉ số lạm phát thấp chưa hẳn là do chúng ta kiểm soát giá tốt mà bắt nguồn từ chuyện sức mua quá yếu. Thậm chí nhiều DN không dám vay vốn vì sợ không biết sản xuất cho ai mua? Hiện nhiều DN ngành thép, xi măng cũng phải đình trệ sản xuất để tránh lỗ…
Ngoài ra, một lý do khiến các chuyên gia kinh tế chưa thể “an tâm” với chỉ số lạm phát hiện nay nữa đó là với sức khỏe nền kinh tế hiện nay thì Việt Nam cần chỉ số lạm phát thấp hơn nữa. Đã từng có ý kiến cho rằng mức lạm phát của Việt Nam nên ở mức dưới 5%. Có như vậy sẽ phù hợp hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tái cấu trúc cũng như chính sách tiền tệ.
MAI PHƯƠNG