Crimea đổi chủ, Hà Lan không biết trả đồ mượn ra sao

Mục đích của cuộc triển lãm là nhằm tái hiện quá khứ huy hoàng về văn hóa của vùng bán đảo nằm bên bờ biển Đen này. Toàn bộ di sản khảo cổ học trưng bày tại Amsterdam được đưa đến từ Crimea (Simferopol, Bakhtchissarai, Sebastopol và Kertch) và sẽ được trả lại cho Crimea vào cuối tháng 8-2014 sau khi triển lãm kết thúc. Nhưng trớ trêu thay, hiện nay Crimea đã đổi chủ.

Ban quản lý bảo tàng đã thật sự bối rối, bởi giờ đây họ không biết sẽ trả lại số cổ vật bằng vàng của người Scyth nói trên cho ai. Trả về cho các bảo tàng Crimea là nơi đã cho mượn hiện vật hay trả về cho chính quyền Kiev của Ukraine là nơi yêu cầu được nhận lại hiện vật?

Bảo tàng Allard Pierson tại Amsterdam (Hà Lan).

Bà Amber Van Haken, phụ trách truyền thông của Bảo tàng Allard Pierson, đã giải thích như sau trên đài phát thanh Svoboda vào ngày 18-4 vừa qua: “Chúng tôi sẽ phải xác định xem các cổ vật trên thuộc về ai. Đây là một trường hợp chưa từng có từ trước đến nay. Hiện nay hồ sơ pháp lý đang được hai nhóm luật sư nghiên cứu, một nhóm của Trường ĐH Amsterdam và nhóm kia thuộc Bộ Ngoại giao Hà Lan”.

Kết luận pháp lý sẽ được đưa ra vào cuối tháng 8-2014, khi toàn bộ số cổ vật của người Scyth sẽ được đóng thùng để hoàn trả. Thực tế là chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, vùng đất Crimea đã biến chuyển nhanh chóng, từ một khu vực giao lưu văn hóa phong phú đã trở thành một vùng đất căng thẳng và vì thế có thể trong một khoảng thời gian ngắn sắp tới, vùng đất này có nguy cơ phải tạm ngưng các hoạt động hợp tác văn hóa với các khu vực khác trên thế giới.

Người Scyth (hay người Scythia) là một dân tộc bao gồm những người chăn thả gia súc, sống du mục, cưỡi ngựa, có nguồn gốc từ Iran, đã thống trị vùng thảo nguyên quanh biển Đen trong suốt thời kỳ cổ đại từ khoảng thế kỷ 8-7 trước Công nguyên. Vào cuối thời kỳ cổ đại, những người Sarmatia có quan hệ họ hàng gần đã trở thành lực lượng thống trị người Scyth trong khu vực này. Phần lớn thông tin còn sót lại về người Scyth đến từ nhà sử học Hy Lạp là Herodotos (khoảng 440 trước Công nguyên) trong bộ sử Historiai của ông và từ các đồ vàng tạo tác thanh tú đã khai quật được từ các gò mộ kiểu Scyth tại Ukraine và miền Nam nước Nga.

TN (Theo Le Monde)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm