CSGT cho người không đeo khẩu trang hít đất: Sai

Cách đây hai ngày, trên Facebook xuất hiện clip cho thấy một số tài xế ô tô tham gia lưu thông trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đang chống đẩy (hít đất) bên lề đường. Cạnh đó, một cán bộ CSGT đếm to số lần chống đẩy...

Clip được đăng kèm giải thích là những tài xế này không đeo khẩu trang trong lúc dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nên CSGT yêu cầu chống đẩy như một hình thức nhắc nhở.

CSGT bị phê bình

Trao đổi với PV ngày 30-3, lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã yêu cầu tổ công tác thuộc đơn vị này tường trình, làm rõ sự việc tài xế “xin chống đẩy (hít đất)” vì vi phạm giao thông.

Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết thời điểm ấy, hai cán bộ CSGT thuộc tổ công tác của đơn vị làm nhiệm vụ tại cổng Khu công nghiệp Vân Trung (Bắc Giang), phát hiện ba ô tô dừng đỗ sai quy định.

Làm việc với cảnh sát, các tài xế trình bày họ đưa đón chuyên gia Hàn Quốc nhưng tới đây thì đường gom bị tắc nên buộc phải dừng xe trên cao tốc cho khách vào khu công nghiệp kịp giờ làm. Trong giải trình, những người này đề nghị bồi dưỡng tiền cho CSGT để được bỏ qua nhưng bị từ chối.

Thấy các tài xế đều không đeo khẩu trang, các cán bộ CSGT đã hỏi, nhắc nhở cần thực hiện đúng quy định về phòng, chống COVID-19. Các tài xế cho rằng sức khỏe của mình đều tốt và có thể chứng minh bằng cách chống đẩy. Hai CSGT đồng ý để nhóm tài xế chống đẩy, sau đó trả lại giấy tờ. Các tài xế vui vẻ nhận lại giấy tờ, cam kết không tái phạm.

Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho rằng việc các cán bộ CSGT kiên quyết từ chối nhận hối lộ và nhắc nhở tài xế đáng được biểu dương, nhưng vẫn cần phê bình, rút kinh nghiệm về quy trình công tác.

Các tài xế chống đẩy (hít đất) dưới sự chứng kiến của CSGT. (Ảnh cắt từ clip) Ảnh: TUYẾN PHAN

CSGT làm vậy là không đúng

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư (LS) - TS Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng lỗi vi phạm dừng đỗ xe trên đường cao tốc là cần phải xử phạt theo đúng quy định. Việc CSGT đang làm nhiệm vụ đồng ý cho các tài xế chống đẩy để chứng minh sức khỏe của họ tốt là điều không nên.

Thứ nhất, CSGT đang là người đại diện cho Nhà nước, đang chấp hành mệnh lệnh giữ trật tự trị an trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì chỉ được sử dụng các biện pháp hợp pháp, áp dụng các quy định của pháp luật để thể hiện sự nghiêm minh, đúng đắn của pháp luật. CSGT không thể chấp thuận lời đề nghị của các tài xế, rồi lại đứng đếm cho người vi phạm thực hiện chống đẩy.

Thứ hai, theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 21 Luật Xử lý vi phạm hành chính (về các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng) có quy định hình thức xử phạt chính là cảnh cáo hoặc phạt tiền. Ngoài các hình thức xử phạt này còn có các hình thức xử phạt bổ sung (như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính). Hình thức xử phạt bổ sung chỉ được áp dụng kèm theo hình thức xử phạt chính.

Theo LS Trạch, hiện nay cả nước đang chung tay, đồng lòng thực hiện việc chống dịch bệnh COVID-19 nên mỗi công dân phải tự ý thức chấp hành các khuyến cáo của Bộ Y tế (quy trình rửa tay, đeo khẩu trang khi ra ngoài…). Công dân phải tuân thủ các quy định của Thủ tướng Chính phủ đề ra trong công tác phòng, chống dịch.

Việc xử lý vi phạm trong công tác phòng, chống dịch hiện nay tùy mức độ vi phạm mà có các mức xử phạt tương ứng với hành vi vi phạm (xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự). Tất cả điều này nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của công dân. Nếu đưa chống đẩy vào áp dụng là hình thức xử phạt bổ sung có thể tác động xấu đến sức khỏe (chưa nói đến là phụ nữ, người lớn tuổi…) và quan trọng hơn là không phù hợp với tình hình chống dịch bệnh.

“Theo tôi, cần phải chấn chỉnh lại hành vi của các tài xế và nhất là cần phải xây dựng hình ảnh người thi hành công vụ một cách nghiêm túc hơn. Bởi CSGT là những người đang đại diện cho quyền lực Nhà nước nên cần phải luôn ý thức được nhiệm vụ, trọng trách mà nhân dân giao cho” - LS Trạch nói.

Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế…

(Theo điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013) 

Không đeo khẩu trang bị phạt 100.000-300.000 đồng

LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng theo Nghị định 100/2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì không có quy định nào về phạt chính hoặc phạt bổ sung, khắc phục hậu quả bằng biện pháp hít đất. Theo nguyên tắc, cơ quan hành chính nhà nước, người thừa hành công vụ chỉ được áp dụng các hình thức, mức phạt mà Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành mà thôi. Việc xử lý của CSGT Bắc Giang trong trường hợp này là chưa phù hợp pháp luật.

Theo Nghị định 176/2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) thì hành vi không đeo khẩu trang sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000-300.000 đồng. Lý do là không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

Quy định của nhiều nước về xử phạt hành vi không đeo khẩu trang ở nơi công cộng

Không chỉ ở Việt Nam mới xử phạt các hành vi không đeo khẩu trang gây nguy hại đến sức khỏe của người xung quanh mà một số quốc gia trên thế giới cũng đã ban hành các quy định tương tự trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng hiện nay.

Ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Bộ Tư pháp nước này vừa công bố một danh sách 15 hành động gây ảnh hưởng tới nỗ lực chống dịch có thể bị xử lý hành chính nếu vi phạm. Trong số đó, người nào cảm thấy không khỏe hoặc có triệu chứng giống COVID-19 bắt buộc phải đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà hoặc tới những nơi công cộng. Mọi người dân khi vào bệnh viện cũng phải đeo khẩu trang. Nếu có dấu hiệu vi phạm thì người vi phạm sẽ bị phạt ít nhất 272 USD.

Trong khi đó, Cộng hòa Czech lại có phần mạnh tay hơn khi yêu cầu tất cả người dân, dù có bệnh hay không, đều phải đeo khẩu trang khi rời khỏi nhà và đến chỗ làm. Bất kỳ hành vi vi phạm nào cũng có thể cấu thành tội cố ý lây lan bệnh truyền nhiễm và đối mặt với mức án tối đa 12 năm tù giam. Nếu đi ngoài đường không có khẩu trang bị cảnh sát bắt gặp thì có thể bị phạt tiền từ 400 USD.

Một số tỉnh, thành ở Trung Quốc cũng có quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đi ra đường và đến những nơi công cộng như Vũ Hán, Bắc Kinh và Thượng Hải. Cảnh sát sẽ yêu cầu người vi phạm quay về nhà nếu bắt gặp. Một số địa phương còn sử dụng máy bay không người lái tuần tra và công khai nhắc nhở người không đeo khẩu trang.

Các hình thức xử phạt đặc trưng trên thế giới:

Lao động công ích: Tại đa số quốc gia theo Thông luật (Common Law) như Anh và Mỹ, việc xử phạt lao động công ích được áp dụng với những người vi phạm chưa nghiêm trọng tới mức phải chịu thi hành án phạt tù. Đây là hình thức buộc người vi phạm chuộc lỗi với cộng đồng qua những việc liên quan tới cải thiện môi trường sống và khung cảnh địa phương (như sơn sửa lại tường bị vẽ bậy, thu dọn rác thải công cộng...). Chế tài này có thể đi kèm với án tù nhẹ vài tháng hoặc phạt tiền.

Phạt roi: Đây là hình phạt bắt nguồn từ Anh, dù nước này đến nay đã bãi bỏ hoàn toàn và phổ biến ở các cựu thuộc địa như Singapore, Ấn Độ hay Malaysia. Đây là hình thức xử phạt áp dụng cho các tội gây ảnh hưởng đến trật tự công cộng và các tội liên quan đến xúc phạm danh dự người khác. Một số nước Hồi giáo cũng áp dụng hình thức xử phạt này cho các tội liên quan đến phỉ báng đạo Hồi và các tội liên quan đến tấn công tình dục.

VĨ CƯỜNG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm