CSGT có được 'ẩn' trong ô tô để bắn tốc độ?

Clip người dân quay lại cảnh người đàn ông ngồi trong ô tô để bắn tốc độ. Nguồn: FB

Mới đây, mạng xã hội Facebook chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh người đàn ông ngồi trong chiếc xe Mercedes đậu sát vỉa hè để bắn tốc độ trên đường Mai Chí Thọ (quận 2, TP.HCM) thì có người dân tiến lại gần quay clip và hỏi.

Liền sau đó hai CSGT điều khiển xe đặc chủng, chạy ngược chiều trên vỉa hè, tiến tới quay phim người dân nói trên và chất vấn: “Chúng tôi đang mật phục để bắn tốc độ ở đây, sao anh gây rối?”. Ngay sau khi đăng tải, đoạn clip nhận được hàng ngàn lượt xem và chia sẻ. 

Được biết đây không phải là tình huống đầu tiên gây tranh cãi về việc CSGT sử dụng các biện pháp hóa trang trong công tác xử phạt vi phạm giao thông. Dù vậy, mỗi khi thông tin về việc hóa trang này đăng tải đều nhận được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Hai CSGT tiến lại chất vấn người đàn ông quay clip và cho biết đang mật phục để bắn tốc độ (ảnh nhỏ). Ảnh cắt từ clip

Trả lời về vấn đề này, Bộ Công an khẳng định việc CSGT sử dụng các biện pháp hóa trang để bắn tốc độ đối với các phương tiện vi phạm là cần thiết.

Theo đó, thực tế cho thấy chạy quá tốc độ là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT). Việc lực lượng CSGT đo tốc độ các phương tiện tham gia giao thông, kịp thời phát hiện, xử lý những người lái xe chạy quá tốc độ nhằm hạn chế TNGT là rất cần thiết.

Tuy nhiên, nhiều lái xe đã tìm cách đối phó với việc đo tốc độ công khai như đang chạy với tốc độ cao, khi phát hiện các trạm, chốt của CSGT sẽ giảm tốc độ hoặc né tránh; người lái xe bị xử phạt thông báo cho người lái xe đang tham gia giao thông khác biết để né tránh, gây khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ của lực lượng CSGT…

Khoản 1 Điều 9 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT quy định: “Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”.

Từ những cơ sở trên, Bộ Công an khẳng định việc lực lượng CSGT kết hợp biện pháp công khai với bí mật (hóa trang) để đo tốc độ là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn công tác và đúng quy định của pháp luật.

Trong khi đó, đối với việc người dân có được quyền quay phim, chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ hay không, trả lời báo chí vào ngày 22-9 vừa qua, Trung tá Huỳnh Trung Phong, Trưởng phòng CSGT Công an TP.HCM, đã nhấn mạnh: “Việc người dân xuất hiện, giám sát hoạt động của CSGT là không vi phạm, chúng tôi không được phép cấm. Người dân có quyền theo dõi và giám sát hoạt động của CSGT, kể cả được phép quay phim, ghi hình hoạt động của các tổ công tác”.

Tuy nhiên, việc quay phim, ghi hình phải đảm bảo không cản trở hoạt động của lực lượng thực thi nhiệm vụ. Đơn cử, người vi phạm khi được CSGT gọi vào thì vẫn được phép quay phim nhưng khi lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình giấy tờ thì phải thực hiện, không được nói “tôi đang quay nên không xuất trình” tức là cản trở hoạt động.

Ngoài ra, khi quay phim phải có “văn hóa ứng xử”, có xây dựng và đóng góp. Mọi phản ánh, đóng góp nên chuyển tư liệu hoặc gặp lãnh đạo để phản ánh, tránh trường hợp dùng hình ảnh xấu, cắt dán để bôi nhọ lực lượng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm