Trao đổi với PV sáng 19-10, ông Huỳnh Đức Th. và ông Hoàng Tấn L. (ngụ Đồng Nai) cho biết rất bất ngờ vì được CSGT tỉnh Đồng Nai vừa mời đến làm việc liên quan việc thu phí tại trạm BOT tránh Biên Hòa.
Nội dung giấy mời của Phòng Cảnh sát đường bộ-đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai: “Kính mời ông (bà) Huỳnh Đức Th. là chủ phương tiện ô tô mang biển số 60A-003… Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai phát hiện ô tô mang biển số 60A-003… có hành vi gây cản trở giao thông tại trạm thu phí quốc lộ 1A (xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, Đồng Nai).
Tài xế dùng tiền lẻ phản đối trạm thu phí tránh Biên Hòa. Ảnh: VH
Vậy Phòng CSGT đường bộ-đường sắt kính mời ông (bà) Huỳnh Đức Th. có mặt lúc 9 giờ ngày 25-10 tại Phòng CSGT đường bộ-đường sắt, Công an tỉnh Đồng Nai... để phối hợp xác minh làm rõ tình tiết của vụ việc”.
Trao đổi với PV tối 18-10, tài xế Th. cho biết có thể sẽ đến làm việc với CSGT theo thư mời. Tuy nhiên, ông Th. cho biết hết sức phản đối nội dung ghi ở giấy mời về việc cho rằng ô tô mang biển số 60A-003… có hành vi gây cản trở giao thông tại trạm thu phí QL1A.
“Tôi hoạt động kinh doanh vận tải, có lưu thông qua trạm BOT Biên Hòa và sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm để phản đối thu phí bất hợp lý vì bị ảnh hưởng quyền lợi. Tôi khẳng định mình không cản trở giao thông và không có ý đồ gì khác...” - ông Th. nói thêm.
Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Sang, cán bộ Đội Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông, đường sắt-đường bộ, Công an tỉnh Đồng Nai, xác nhận Phòng CSGT có gửi giấy mời một số tài xế đến làm việc.
"Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Đồng Nai, chúng tôi mời một số tài xế đến làm việc để giải thích, phân tích cho họ hiểu không nên gây cản trở giao thông" - ông Sang cho biết thêm.
Ngoài ra, liên quan đến việc phản đối trạm thu phí BOT tránh Biên Hòa, trước đó một số tài xế khác từng bị Công an huyện Trảng Bom mời đến làm việc ngay sau khi trạm BOT Biên Hòa phải ngưng hoạt động vì tài xế trả tiền lẻ.
Ngày 17-10, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức họp cùng Văn phòng UBND tỉnh, Ban Tuyên giáo, Công an tỉnh, các sở, ngành, huyện Trảng Bom, lãnh đạo UBND bốn xã xung quanh trạm BOT Biên Hòa liên quan tình hình tại trạm này. Riêng về ngày trạm thu phí BOT hoạt động trở lại, chủ đầu tư cho biết hiện vẫn chưa quyết định được.
Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, từ cuối tháng 9 đến ngày 5-10, tài xế đã nhiều lần dùng tiền lẻ qua trạm BOT Biên Hòa để phản ứng trạm đặt sai chỗ khiến trạm này phải ngưng hoạt động.
Tuyến BOT tránh Biên Hòa (Đồng Nai) do Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận làm chủ đầu tư, đưa vào sử dụng năm 2014, đặt trạm trên QL1 gây bức xúc vì sự bất hợp lý.