CSGT than bị xuyên tạc khi xử phạt vi phạm về tốc độ
Sáng nay (31-5), tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP.HCM, Ban An toàn giao thông (ATGT) TP đã tổ chức Hội nghị sơ kết chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm quy định về tốc độ của người tham gia giao thông.
Đội CSGT Cát Lái thường xuyên xử phạt vi phạm tốc độ trên đường Mai Chí Thọ. Ảnh: HK
Tại đây, Ban ATGT TP cho biết ngày 23-1, Ban ATGT TP đã phối hợp với Công an TP, Sở GTVT… tổ chức lễ phát động chiến dịch này. Từ đó đến ngày 31-3, trên địa bàn TP xảy ra 555 vụ tai nạn giao thông (TNGT, kể cả va chạm) làm 106 người chết, 402 người bị thương. So với liền kề giảm 155 vụ, giảm 29 người chết, giảm 102 người bị thương.
Trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm bằng hình ảnh, trong thời gian thực hiện chiến dịch, các đơn vị thuộc PC67 và công an 24 quận/huyện đã lập biên bản 7.368 trường hợp vi phạm tốc độ. Trong đó phạt 180 xe khách, 49 taxi, 2.320 xe con, 1.109 xe tải, hai xe container, năm xe ben, một xe bồn, 3.702 mô tô. So với liền kề tăng 1.467 trường hợp.
Tại hội nghị, Thiếu tá Nguyễn Văn Hội, Đội trưởng Đội CSGT Rạch Chiếc, cho biết công tác xử lý vi phạm tốc độ hiện nay gặp nhiều khó khăn. Nhiều trường hợp người vi phạm đòi xem hình ảnh vi phạm ngay tại thời điểm xử phạt nên máy đo tốc độ bị cầm lên, cầm xuống sẽ không đạt được hiệu quả.
Do đó, đội áp dụng việc tuyên truyền, tất cả quyết định xử phạt mà người vi phạm nhận đều in hình ảnh vi phạm kèm theo. Khi người dân bị xử phạt đều cho người dân xem hình ảnh, xem họ có đồng ý không,… bằng mọi cách để sau này người dân không thắc mắc đòi xem hình ảnh ngay tại lúc vi phạm nữa. Khẳng định CSGT làm đúng theo quy định chứ không làm bừa, làm bậy.
Thiếu tá Hội cho biết việc không gắn biển báo theo quy định mà xử phạt khiến người dân thắc mắc. Ở khu vực xa lộ Hà Nội, người dân phản ứng rất nhiều. Năm, sáu người thắc mắc thì nếu giải thích không thông sẽ rất dễ xảy ra cự cãi, CSGT với người dân sẽ gây bất đồng…
Ông cũng đề nghị làm sao có phương tiện, thiết bị bắn tốc độ để người dân được coi hình ảnh vi phạm tại chỗ.
Phó Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái, Trung tá Nguyễn Văn Thủy cho biết lực lượng công khai khi xử phạt tốc độ theo quy định của ngành được mật phục và sử dụng máy bắn tốc độ thì bị đối tượng khác tới ghi hình, gây khó dễ. Ảnh: L.THOA
Phó Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái, Trung tá Nguyễn Văn Thủy cũng cho biết số vụ TNGT do tốc độ đang ở mức cao. Riêng tuyến đường Mai Chí Thọ thời gian qua đội xử lý vi phạm tốc độ liên tục, chia làm ba ca; đây là tuyến chính về vi phạm tốc độ.
“Khó khăn chung của toàn lực lượng hiện nay đang rộ lên, là lực lượng công khai khi xử phạt tốc độ theo quy định của ngành được mật phục và sử dụng máy đo tốc độ thì bị đối tượng khác tới ghi hình, gây khó dễ. Hay dù Thông tư 01, 02 quy định rõ nếu CSGT có thể chứng minh hình ảnh tốc độ tại chỗ thì chứng minh, còn không thì hẹn về nơi xử lý vi phạm cung cấp hình ảnh. Nhưng hiện tại trên mạng xã hội đang lan truyền nhận định, cho rằng CSGT phải chứng minh tại chỗ bằng hình ảnh mới chấp nhận vi phạm, sau đó lợi dụng, ghi hình điện thoại tung lên mạng, câu like, lợi dụng hình ảnh đó để xuyên tạc lực lượng…” - Trung tá Thủy bức xúc chia sẻ.
Về vấn đề này, Thượng tá Trần Văn Thương, Phó PC67, cũng nhìn nhận tình trạng khó khăn của lực lượng trong vấn đề người vi phạm đòi chứng minh hình ảnh. Tuy nhiên, tùy trường hợp, nếu hình ảnh vi phạm còn mập mờ, không rõ biển số thì có thể cho xem sau; hay tốc độ không quá cao thì tuyên truyền.
Ông cũng đề nghị các đội CSGT trong quá trình xử lý thì xem xét lại thái độ của CSGT, cách thức xử lý, giáo dục cán bộ, chiến sĩ trong khi thực thi nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM, cho rằng các đợt ra quân xử lý, tuyên truyền phải làm sao kéo giảm TNGT, phải đánh giá lại tai nạn thường xảy ra ở điểm nào, thời gian nào. Nguyên nhân là gì, do đường vắng, không có CSGT đứng chốt, người dân chạy tốc độ cao, nhất là ở các ngã tư, giao lộ. Qua đó khâu tuyên truyền là công tác chính, các chiến sĩ tham gia hoạt động xử lý phải tuyên truyền tại chỗ cho người tham gia giao thông.
Ông cũng cho biết trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ để tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng chạy quá tốc độ. CSGT cần kiên quyết lập biên bản, áp dụng biện pháp ngăn chặn với các trường hợp chống đối. Nghiên cứu, có đề xuất hình thức xử phạt theo hướng nâng cao mức phạt tiền, kéo dài thời hạn giữ xe, tước giấy phép lái xe.