Nghị định 31/2020 (Nghị định 31) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2013 về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-5 tới đây.
Sau bài viết “Hết lạm dụng việc giam xe vi phạm” đăng ngày 9-3 trên Pháp Luật TP.HCM, chúng tôi nhận nhiều phản hồi từ bạn đọc. Nội dung gây chú ý của Nghị định 31 là việc cho phép người vi phạm được tự giữ xe vi phạm. Hầu hết bạn đọc tán đồng với quy định này. Nhiều bạn đọc thắc mắc làm cách nào để được giữ xe vi phạm.
Trả lời câu hỏi này, đội trưởng một đội CSGT trên địa bàn TP.HCM cho biết thủ tục để người dân mang xe về nhà tự giữ hiện không có gì khó khăn. Khi người dân có yêu cầu tự bảo quản xe (không thuộc trường hợp luật không cho phép tổ chức, cá nhân vi phạm tự giữ xe) thì làm đơn đề nghị, CSGT sẽ hướng dẫn thủ tục, điều kiện. Nếu người dân đặt tiền bảo lãnh theo luật thì số tiền bảo lãnh phải tương ứng với mức phạt tối đa trong khung hình phạt đó. Từ khi có đơn đề nghị thì CSGT sẽ làm đề xuất lên ban chỉ huy, chỉ trong 1-2 ngày là có kết quả.
Thời gian qua, đơn vị của ông đã cho nhiều trường hợp chủ ô tô đặt tiền cọc để mang xe về bảo quản. Cụ thể, một số trường hợp ô tô vi phạm nồng độ cồn bị phạt 30-40 triệu đồng thì sẽ đặt lại số tiền 40 triệu đồng để đảm bảo thi hành quyết định xử phạt và được mang xe về nhà bảo quản dưới sự giám sát của địa phương. “Đến nay đội chưa nhận đề nghị nào từ chủ xe máy vi phạm. Nếu có đơn đề nghị thì CSGT đều giải quyết theo quy định cho người dân và không phân biệt loại xe” - vị đội trưởng nói.
Một bãi giữ xe vi phạm của công an một xã ở Hóc Môn cỏ mọc um tùm, các xe này cũ kỹ, mức phạt cao hơn giá trị xe nên bị bỏ lại. Ảnh: NT
Tuy nhiên, tình trạng tồn tại chung của tang vật vi phạm hành chính đang quá tải ở kho bãi là những xe có giá trị thấp. Các xe vi phạm đều lỗi thời, cũ kỹ, chủ yếu vi phạm nồng độ cồn và các lỗi liên quan đến hành vi tụ tập đua xe với mức phạt cao hơn giá trị của xe vi phạm. Vì vậy, người dân thường bỏ luôn xe mà không đến thực hiện quyết định xử phạt.
“Đó là cái khó của chúng tôi, chứ CSGT không muốn giữ xe của người dân để làm gì cả. Vì giữ xe hiện nay hoàn toàn không thu phí” - vị này khẳng định.
Hơn 4,3 triệu xe bị tạm giữ trong sáu năm qua. Trong đó có 3,9 triệu mô tô, 249.000 ô tô. Trong số này có 137.000 xe vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được với khoảng 37.000 xe đã thành sắt vụn. |
Theo ông, khi giữ xe vi phạm, cơ quan chức năng phải bảo quản xe, nếu có sự cố, hư hỏng, mất mát thì phải chịu trách nhiệm. “Nếu xe của người dân hư hỏng mà được xác định trong thời gian bị giữ ở cơ quan chức năng thì cơ quan chức năng phải có trách nhiệm bồi thường, vì trong biên bản tạm giữ có ghi rõ tình trạng phương tiện trước khi tạm giữ như thế nào” - vị này nói thêm.
Ngoài ra, trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 100/2019 có hình thức xử phạt bổ sung là quy định giữ xe bảy ngày trong trường hợp người điều khiển xe không xuất trình được giấy đăng ký xe hoặc bằng lái. Do đó, ngay hôm sau, khi người dân đến trình đầy đủ giấy tờ thì cơ quan chức năng sẽ bàn giao lại xe ngay.
Các trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không được tự giữ xe - Phương tiện giao thông của vụ vi phạm là vật chứng của vụ án hình sự. - Phương tiện giao thông được sử dụng để đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng hoặc gây tai nạn giao thông. - Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị làm giả, sửa chữa. - Biển kiểm soát giả, phương tiện bị thay đổi trái phép số khung, số máy hoặc bị xóa số khung, số máy. (Theo Nghị định 31/2020) |